1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh doanh hàng không: Cần mở cửa cho tư nhân, “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước

(Dân trí) - Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, thị trường kinh doanh hàng không hiện nay còn nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng nhiều “điểm nghẽn”, cần phải mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhưng cũng cần “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước.

Chiều 16/5, tại Hà Nội, VCCI đã tổ chức cuộc tọa đàm “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không”. Đơn vị quản lý trong ngành hàng không, hãng hàng không, chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đã tham dự.   

Đột phá và điểm nghẽn hàng không

Tại cuộc tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nêu quan điểm cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Bởi điều hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh. Cạnh tranh trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.

Kinh doanh hàng không: Cần mở cửa cho tư nhân, “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước - 1
Cuộc tọa đàm diễn ra chiều 16/5 tại VCCI

Viện trưởng CIEM cũng đặt vấn đề: Nền kinh tế có 3 đột phá là đột phá về thể chế, đột phá về nguồn nhân lực và đột phá về kết cấu hạ tầng. Ba đột phá này đang hiện thân rất rõ nét ở ngành hàng không, nhưng nó cũng chính là “điểm nghẽn” với ngành.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - cho biết, về cơ bản thị trường hàng không đã phát triển được theo xu hướng thị trường. Tuy nhiên, nếu triển khai được đầy đủ kế hoạch đã đề ra theo tiến độ thì sẽ đáp ứng tốt hơn. Nhưng câu chuyện ở đây còn liên quan tới việc làm chính sách, quy hoạch.

Chủ tịch ACV khẳng định: “Hàng không đang tắc nghẽn cục bộ, điển hình là Cảng hàng không Tân Sân Nhất dẫn đến tắc nghẽn ở các cảng hàng không khác, trong khi đó chủ trương “giải cứu” sân bay bay Tân Sơn Nhất đã có 3 năm mà vẫn chưa quyết cho ai làm chủ đầu tư".

"Tắc nghẽn ở quy trình, thủ tục hành chính. Chúng tôi là doanh nghiệp được giao có trách nhiệm cải tạo mở rộng cảng hàng không. Năng lực có, chuyên môn có, tài chính có, đúng thẩm quyền có nhưng chưa được giao thì chưa thể thực hiện được.”, ông Thanh nói.

Kinh doanh hàng không: Cần mở cửa cho tư nhân, “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước - 2
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh (phải) nêu vấn đề tắc nghẽn trong kinh doanh hạ tầng hàng không

Nói thêm về năng lực và tiến độ xây dựng hạ tầng sân bay, ông Lại Xuân Thanh nêu quan điểm: Không phải doanh nghiệp tư nhân xây sân bay nhanh hơn ACV, bởi ACV có kinh nghiệm, có năng lực và không bao giờ chậm giải ngân. Sân bay Vân Đồn xây xong mất 27 tháng. Nếu giao chúng tôi xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất thì theo kế hoạch sẽ chỉ mất 24 tháng.

“Ở đây tôi muốn nói phải có sự bình đẳng của doanh nghiệp Nhà nước so với doanh nghiệp tư nhân. Mảng dịch vụ tốt nhất thì lại không giao cho chúng tôi. Ví dụ, tại hãng hàng không thì nhà ga kinh doanh tốt nhất, trong nhà ga thì nhà ga hành khách tốt nhất và trong nhà ga hành khách là nhà ga hành khách quốc tế tốt nhất nhưng chúng tôi không được giao mà chỉ giữ lại cho chúng tôi đường băng, đường lăn… Xã hội hoá là một chủ trương lớn và chúng tôi tán thành, nhưng tôi cho rằng phải bình đẳng chứ không phải làm teo tóp doanh nghiệp Nhà nước đi.” - Chủ tịch ACV nhấn mạnh.

Mở cửa cho tư nhân, “cởi trói” cho Nhà nước

Tại buổi toạ đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, nhu cầu phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới là tất yếu, mặc dù còn nhiều thách thức. Vì vậy, để duy trì được sự phát triển bền vững, của ngành, ông Nhưỡng cho rằng, đầu tiên, cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng, sân chơi “hay” và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung.

Kinh doanh hàng không: Cần mở cửa cho tư nhân, “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước - 3
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng cần mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng cũng cần "cởi trói" cho doanh nghiệp nhà nước

Nói giải việc tháo gỡ tắc nghẽn hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng đây là nỗi khổ không chỉ của riêng ai, không chỉ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, vấn đề bắt nguồn từ thể chế.

Thị trường kinh doanh hàng không hiện nay còn nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng nhiều “điểm nghẽn”, cần phải mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhưng cũng cần “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước.

Thái độ của chúng ta với doanh nghiệp nhà nước đừng ưu ái, nhưng cần cởi trói. Không thể cho ưu ái rồi lại trói họ lại, bó tay bó chân gây chậm trễ ngay từ thủ tục xin cấp phép. Với tư nhân, cần cải cách thủ tục để giao tư nhân nhanh hơn.” - Chủ tịch VCCI cho hay.

Kết thúc cuộc tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề để nhà nước “bắt tay” tư nhân và dẫn chứng về điển hình ở tỉnh Quảng Ninh, cho tư nhân làm rồi nhà nước thuê lại, trả thị trường cho tư nhân, còn nhà nước có hạ tầng để phát triển.

Châu Như Quỳnh