1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia Việt “ngỏ ý” muốn xây sân vận động "khủng", tự làm hạ tầng hàng không

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về việc một đại gia muốn xây dựng sân vận động hiện đại nhất Việt Nam thu hút khá nhiều sự chú ý của độc giả. Bên cạnh đó, việc nữ tỷ phú USD của Việt Nam “ngỏ ý” muốn xây sân bay cũng được nhiều bạn đọc quan tâm.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết muốn xây sân vận động 100.000 chỗ ngồi

Thông tin cho hay, Tập đoàn FLC hồi đầu năm nay đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp sân vận động, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn, nằm tại một trong các khu vực thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn.

Đại gia Việt “ngỏ ý” muốn xây sân vận động khủng, tự làm hạ tầng hàng không - 1

Tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết muốn trực tiếp đầu tư, tổ chức vận hành, khai thác... trong suốt vòng đời dự án "khủng" hàng chục nghìn tỷ đồng

Hạng mục chính của dự án là cụm công trình liên hợp thể thao, với điểm nhấn trung tâm là một sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, được thiết kế có mái che để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế lớn, với mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng.

Nằm trong khuôn khổ dự án còn có hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế;…Tổng diện tích dự án khoảng từ 1.000 đến 2.000 ha.

Nếu được chấp thuận, FLC cho biết, các hạng mục đầu tư trên sẽ do tập đoàn này trực tiếp đầu tư, tổ chức vận hành, khai thác, đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế trong suốt vòng đời dự án.

Vào trung tuần tháng 11/2018, giữa “cơn sốt” AFF Cup, ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết từng gây bất ngờ khi tuyên bố rút khỏi bóng đá. Ông Quyết cho biết, trong 4 năm đầu tư vào bóng đá, mỗi năm tiêu tốn của FLC cả trăm tỷ đồng, năm vừa rồi xấp xỉ 120 tỷ đồng song đội bóng này được cho là “khó vô địch”, “đổ công, đổ sức ra mà không mang lại cái gì”.

CEO Vietjet Air đề nghị Chính phủ cho tự làm hạ tầng hàng không


Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, nữ Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng: “Dù là doanh nghiệp vận hành đến 80 tàu bay, vận chuyển khoảng 1 nửa lượng khách của ngành hàng không Việt Nam, nhưng toàn bộ cơ sở, mặt đất, suất ăn, nhà ga, sân bay Vietjet Air hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống độc quyền tự nhiên của Nhà nước".

Đại gia Việt “ngỏ ý” muốn xây sân vận động khủng, tự làm hạ tầng hàng không - 2

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air (ảnh minh họa)

"Chúng tôi nói đùa với nhau là không có "tấc đất" cắm dùi nào ở các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực để đầu tư chất lượng mà không dùng nguồn vốn ngân sách"

CEO Vietjet Air đề xuất chính phủ cần có cơ chế cho tư nhân làm cơ sở hạ tầng, đặc biệt hàng không, hạ tầng 4.0.

Ông Lê Phước Vũ mất hơn 70% tài sản vì thế lực ngầm “dìm” giá cổ phiếu?

Ở mức giá hiện tại, dù HSG đã thoát đáy và ghi nhận mức tăng 5,14% trong vòng 1 tuần giao dịch song giá cổ phiếu vẫn mất 6,9% so với 1 tháng trước và đánh mất 42,31% trong 3 tháng qua. Thậm chí so với mức đỉnh của trung tuần tháng 1/2018 thì HSG đã “bốc hơi” tới 72,6%.

Đại gia Việt “ngỏ ý” muốn xây sân vận động khủng, tự làm hạ tầng hàng không - 3

Ông Lê Phước Vũ nói cổ đông mua HSG ở thời điểm hiện tại đã là mức giá "rẻ" nhất.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen cho rằng, tuy HSG không thể tăng trưởng 4,5 lần như những giai đoạn trước, song đây là giai đoạn mà cổ đông và nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu HSG với giá rẻ nhất.

Ông Vũ khuyên cổ đông, nếu đầu tư vào HSG thì hãy “đầu tư giá trị” chứ không nên “đi buôn cổ phiếu”.

“Tôi biết đến đây hôm nay có nhiều người thua lỗ vì cổ phiếu HSG, nhưng quý vị hãy xem, chúng ta vẫn tăng trưởng doanh thu, vẫn có lợi nhuận sao giá cổ phiếu có 6.000 – 7.000 đồng? Đó là sự chi phối của thế lực ngầm nào đó, các vị cổ đông hãy hết sức tỉnh táo”, ông Vũ đặt câu hỏi tại đại hội.

Ngoài ra, tại đại hội này, ông Vũ cũng thông báo với cổ đông, trong vài tháng tới sẽ giảm dư nợ vay của tập đoàn xuống còn 10.000 - 11.000 tỷ đồng, con số này không phải là quá lớn so với quy mô của Hoa Sen.

Đại gia Dương Ngọc Minh nói gì với khoản lãi “bốc hơi” hơn 200 tỷ đồng sau kiểm toán?

Mới đây, doanh nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm niêm độ 2018. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của HVG sau khi được kiểm toán đã bị giảm mạnh hơn 215 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, chỉ còn đạt hơn 190 tỷ đồng.

HVG đã phải giải trình về vấn đề này, cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch nói trên là do chi phí tài chính tăng mạnh gần 202 tỷ đồng, lên mức 324 tỷ đồng.

Đại gia Việt “ngỏ ý” muốn xây sân vận động khủng, tự làm hạ tầng hàng không - 4

Sự sụt giảm mạnh của mức lãi sau kiểm toán so với tự lập đã khiến cổ đông HVG thất vọng

Trong đó, do tăng tương ứng với nghiệp vụ dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty liên kết theo Thông tư 228 với số tiền 208 tỷ đồng; tăng do ghi nhận thêm chi phí vay với số tiền gần 11 tỷ đồng; phân loại lại giữa doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính liên quan đến chênh lệch đánh giá lại các khoản phải thu khó đòi có gốc ngoại tệ với số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý cũng bị điều chỉnh tăng gần 15 tỷ đồng do trích lập bổ sung dự phòng các khoản phải thu khó đòi theo Thông tư 228.

Thêm vào đó, việc này còn liên quan đến bút toán loại trừ doanh thu, tăng chênh lệch lãi/lỗ nội bộ chưa thực hiện, giảm lợi nhuận từ liên doanh liên kết...

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm