1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá trong tháng 1/2009 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh - 1
Chỉ duy nhất mặt hàng gạo tăng cả về lượng và giá trị.
 
Kinh tế thế giới suy giảm đã ảnh hưởng rõ nét đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất khẩu của tất cả các mặt hàng tiếp tục giảm sâu.

So với tháng 1/2008, duy nhất mặt hàng gạo tăng cả về lượng và trị giá (lượng tăng 229% và trị giá tăng 254%). Lượng xuất khẩu dầu thô tăng 12,7% nhưng trị giá giảm 52,4%.

Các mặt hàng nông sản khác như cà phê, nhân điều, chè lượng xuất khẩu giảm khoảng từ 20 - 30% và giá xuất khẩu giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, hàng điện tử linh kiện máy tính, sản phảm gỗ, sản phẩm nhựa... kim ngạch xuất khẩu đều giảm từ 20 - 30%...

Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm đã làm cho các ngành như dệt may, hàng điện tử, sản phẩm gỗ… gặp khó khăn trong ký kết hợp đồng mới. Thanh toán gặp khó khăn nên các doanh nghiệp thận trọng trong ký kết hợp đồng.

Kinh tế thế giới suy thoái đã khiến cho tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khó khăn trong khâu tìm đầu ra. Ngay cả mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam là dầu thô do giá dầu thế giới giảm, tình hình thế giới có nhiều biến động nên việc tìm kiếm khách hàng cũng rất khó khăn.

Đối với mặt hàng thuỷ sản, giá giảm kéo dài đã không khuyến khích nông dân nuôi tôm xuất khẩu làm nguồn xuất khẩu hạn chế. Trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới thu hẹp, cộng thêm với việc Nga ngừng nhập khẩu cá tra của Việt Nam càng làm cho xuất khẩu thủy sản khó khăn hơn.

Không chỉ xuất khẩu giảm, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng giảm tới 44,8% (ước khoảng 4,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và giảm 27,6% so với tháng 12/2008.

Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu giảm cả về lượng và trị giá ở tất cả các mặt hàng, thậm chí giảm sâu đối với một số mặt hàng như ô tô nguyên chiếc, thép, phôi thép, xăng dầu. Các nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng hoá tiêu dùng và xuất khẩu và nhóm các mặt hàng tiêu dùng cũng đều giảm so với năm trước.

Trước bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương dự báo, trong tháng tới, tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, giá các mặt hàng nông sản chưa có dấu hiệu tăng và dự báo vẫn ở mức thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, đặc biệt là những mặt hàng không được coi là hàng thiết yếu.

Vì vậy, xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất vì thế cũng giảm.

Bởi vậy, trong thời điểm này, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để giữ vững sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời, Chính phủ cũng cần thực hiện những giải pháp nhằm kích thích tiêu dùng để khuyến khích sản xuất.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm