1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quảng Nam:

Kiệu rớt giá thê thảm, nông dân chưa thấy Tết

(Dân trí) - Những ngày này người dân vựa kiệu Bình Phục, Bình Giang (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đang tất bật thu hoạch kiệu cho kịp thị trường Tết. Tuy nhiên năm nay giá kiệu rớt thê thảm chưa từng có, dù vậy nông dân cũng phải “ngậm ngùi” nhổ bán.

Huyện Thăng Bình được xem là nơi trồng kiệu lớn nhất tỉnh Quảng Nam, trong đó vùng cát Bình Phục, Bình Giang là vựa kiệu lớn nhất nhì của huyện.

Nông dân Quảng Nam mất mùa kiệu Tết

Kiệu giá thấp kỷ lục khiến người dân lo âu

 

Theo người dân tại đây, giá kiệu đầu vụ là 30.000 đồng/kg, nhưng chỉ duy trì được 2 ngày rồi rớt giá liên tục. Hiện giá kiệu lớn là 13.000-15.000 đồng/kg, kiệu nhỏ 10.000 đồng/kg. Người dân cho biết, đây là giá thấp nhất từ trước đến nay.

Nông dân Quảng Nam mất mùa kiệu Tết

Người thu mua ít và cầm chừng nên người trồng kiệu cũng thấp thỏm

 

Bên cạnh đó, thương lái chỉ thu mua cầm chừng. Người thu mua ít nên kiệu liên tục bị ép giá, người dân “thấp thỏm” đứng ngồi không yên vì Tết Nguyên đán đang cận kề.

Gia đình ông Trần Văn Tân (xã Bình Giang, Thăng Bình) đã bán 4 con bò của gia đình để đầu tư hơn 20 triệu đồng cho hơn 5 sào kiệu của gia đình. Năm ngoái số tiền gia đình thu về khá cao nên năm nay ông tin tưởng đầu tư thêm, nhưng số tiền năm nay thu về chưa bằng một nửa so với số tiền đã đầu tư.

Nông dân Quảng Nam mất mùa kiệu Tết

Do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng giảm, kiệu nhỏ

 

“Giá kiệu năm nay quá thấp, bên cạnh đó do ảnh hưởng của thời tiết cùng với trận mưa lớn đầu tháng 12/2018 gây ngập úng khiến kiệu phát triển chậm, củ nhỏ. Tôi đầu tư số tiền khá lớn cho ruộng kiệu của gia đình nhưng thu chẳng được bao nhiêu, rồi còn bị tư thương ép giá. Tết này có thể nói là cái tết buồn nhất của gia đình tôi rồi”, ông Tân buồn bã chia sẻ.

Loáng thấy người lạ đến hỏi thăm ruộng kiệu, ai cũng dừng công việc để chăm chú theo dõi. Đến khi biết chúng tôi chỉ thăm hỏi thông tin, mọi người đều không giấu được nỗi thất vọng.

Nông dân Quảng Nam mất mùa kiệu Tết

Do mưa lớn kéo dài gây ngập, mưa thấm sâu vào đất nên nhiều ruộng kiệu người dân phải dùng đến cuốc để thu hoạch kiệu

 

Ông Lê Văn Chín (70 tuổi, xã Bình Phục, Thăng Bình) trồng kiệu đã hơn 40 năm nhưng chưa năm nào giá thấp kỷ lục như năm nay. Gia đình ông đầu tư bao nhiêu tiền của, phân bón, công sức… nhưng thu về quá ít. Nếu như mọi năm, 1 kg kiệu giống có thể cho 10 kg kiệu Tết, thì năm nay chỉ được 3-4 ký kiệu Tết vì kiệu nhỏ, mưa lớn nên sản lượng giảm.

Nông dân Quảng Nam mất mùa kiệu Tết

Người dân chỉ hy vọng giá kiệu lên để bù lại công sức, tiền của bỏ ra đầu tư

 

“Mỗi sào kiệu tôi nhẩm tính chỉ thu về hơn 300 ngàn, không đủ tiền đầu tư. Kiệu nhỏ nên cân lên chẳng được bao nhiêu, còn phải giũ sạch cát, bị trừ tiền đủ kiểu. Mọi năm người ta năn nỉ mình bán, bây giờ mình phải năn nỉ lại mới có người mua nhưng cũng phải hẹn tới hẹn lui. Hai vợ chồng già rồi cũng phải cố gắng ngồi nhổ chứ lời chẳng thấy thì tiền công nào mà trả. Vả lại nhổ có dễ đâu, do mưa lâu ngày ngấm vào đất rất khó nhổ, tôi phải dùng cuốc để xới đất lên mới thu hoạch được. Nhà nông trăm thứ tiền Tết đều trông vào vựa kiệu, dù giá thấp nhưng cũng phải ngậm ngùi nhổ bán thôi”, ông Chín rầu rĩ cho biết.

Kiệu chính là cây “ăn Tết” của người dân xã Bình Phục, được người dân đặt nhiều kỳ vọng nhưng giá cả bấp bênh, liên tục giảm khiến người dân lao đao.

Người dân chia sẻ kiệu rớt giá thê thảm

 

Ông Lương Văn Bình (thôn 3, Bình Giang, Thăng Bình) đang tất bật nhổ kiệu gia đình để kịp cho vợ mang ra Đà Nẵng bán. Ông Bình cho biết, nếu chờ thương lái thu mua thì giá quá thấp, nên vợ chồng ông bàn nhau chở ra Đà Nẵng bán.

“Tư thương ép giá quá nên chúng tôi phải tự thân vận động. Bán tại đây kiệu lớn chỉ có giá 12.000 -14.000 đồng/kg, nhưng khi mang ra Đà Nẵng thì giá lên đến 20.000 -22.000 đồng/kg nên vợ chồng chịu khó vậy. Ở đây chỉ vài người trẻ tuổi thì còn chở đi xa bán, chứ người già thì chỉ biết chờ thương lái thu mua. Nhưng cũng đâu phải dễ, bây giờ chỉ lác đác 1-2 người thu mua, người bán thì quá nhiều nên bị ép giá”, ông Bình chia sẻ thêm.

Còn bà Trần Thị Thu (người thu mua kiệu) cho biết: “Hiện tại chúng tôi chỉ thu mua cầm chừng thôi, vì dạo này trời không nắng ráo nên kiệu không “ăn hàng”. Mọi năm xuất bán đi Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… nhưng năm nay kiệu bán rất chậm nên chúng tôi cũng không thể sốt sắng”.

Người dân vùng trồng kiệu của Quảng Nam hiện giờ chỉ cầu mong giá tăng lên chút đỉnh để bù lại số tiền đã đầu tư. Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán nhưng người dân chẳng thể vui nổi, chỉ hy vọng vớt vát được phần nào.

C.Bính - N.Linh

bannerchan-bai.gif