1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiếp nạn trên đường đời chủ tịch Bảo Long Nguyễn Hữu Khai

Được nhắc đến như một lương y, võ sư, trở thành nguyên mẫu của nhân vật trên phim truyền hình, không ai nghĩ có ngày ông Nguyễn Hữu Khai bị bắt.

Bán cả thương hiệu vì... nợ nần

Từng được ví là một 'huyền thoại' của y học cổ truyền Việt Nam nhưng rồi ông Khai phải bán hết tài sản, thương hiệu Bảo Long cho tập đoàn Bảo Sơn vì nợ nần, làm ăn thua lỗ, phải chuyển vào miền Nam sinh sống, kiện tụng liên miên...

Từng được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Đài truyền hình KenJa - Nhật Bản bình chọn là một trong 10 doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam và 500 doanh nhân nổi tiếng Châu Á. Một năm sau, Nguyễn Hữu Khai tiếp tục được vinh danh là "Ngôi sao Việt Nam", được Viện Hàn lâm khoa học Xêchênốp - Liên bang Nga phong tặng học vị tiến sĩ danh dự...

Những tưởng đã trải qua bao nhiêu giông tố cuộc đời và với sự dày công vun đắp thương hiệu Bảo Long nổi danh khắp trong, ngoài nước thì ông Khai có thể ung dung. Nhưng ngã rẽ cho hậu vận cay đắng của một "huyền thoại" y học cổ truyền Việt Nam bắt đầu từ việc liên tục mở rộng phạm vi kinh doanh một cách dàn trải, trong khi tầm nhìn chiến lược cũng như công tác quản lý còn yếu kém.

Do thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, để thanh toán chi phí sản xuất, trả lương cho cán bộ, nhân viên, công nhân, Bảo Long chấp nhận đi vay tiền với lãi suất cao. Tính đến ngày 31/1/2011, tập đoàn này đã vay tổng số 286,785 tỷ đồng từ các ngân hàng, cá nhân và từ các cổ đông. Đặc biệt, có những khoản vay mà Bảo Long phải trả lãi suất từ 18 - 21%.

Với danh nghĩa Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, ông Khai được cho là đã tiến hành huy động vốn dưới hình thức "cổ đông góp vốn" để thu tiền của nhiều cá nhân, tự quản lý ngoài sổ sách kế toán.

Theo thông tin được báo điện tử Pestrotime đưa ra, tính đến đầu năm 2012, ông Khai đã huy động vốn của 265 người với tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng mà không có khả năng chi trả. Trong số này, có 10 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn cho vay.

Khó khăn, không đủ khả năng thanh toán các khoản vay buộc Bảo Long phải bán cổ phần. Ngày 3/3/2011, tại trụ sở của tập đoàn Bảo Long, ông Khai cùng các cổ đông đã ký bản hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm cho tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.

Từ thương vụ Bảo Long - Bảo Sơn xảy ra tranh chấp khi ông Khai cho rằng ông Bảo Sơn không thực hiện cam kết trong hợp đồng và chưa thanh toán 125 tỷ đồng.

Từ sự việc tranh chấp giữa hai bên này đã dẫn đến tình trạng kiện tụng kéo dài liên miên và điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bảo Long. Bệnh viện, sản xuất thuốc phải tạm ngừng, công nhân số lao động của đơn vị này chỉ còn 200 người, giảm 5 lần so với trước khi xảy ra vụ việc với Bảo Sơn...

Làm ăn thua lỗ, nợ nần quá nhiều nên "huyền thoại" của nền y học cổ truyền Việt Nam Nguyễn Hữu Khai sau đó đã phải chuyển vào Nam sinh sống.

Và vào hồi 16h30 phút ngày 15/6, tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, có địa chỉ tại Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội đã tổ chức thi hành Lệnh bắt bị can tạm giam 3 tháng để điều tra tội danh "Sử dụng trái phép tài sản".

Từ đây, chưa biết số phận vị thầy thuốc - doanh nhân 61 tuổi cũng như thương hiệu Bảo Long ông dày công xây dựng sẽ đi đến đâu. Nhưng qua những gì đã diễn ra trong thời gian qua cũng đã cho thấy một hậu vận đầy cay đắng mà "huyền thoại" y học cổ truyền Việt Nam...

Từ đời lên phim

hắc đến ông Nguyễn Hữu Khai hầu như ai cũng biết đó là nguyên mẫu nhân vật Hải trong phim truyền hình dài tập “Đường đời”, được phát trên sóng mấy năm trước.

Cuộc đời “trầm luân” của ông đã được một nhà báo, nhà văn viết thành cuốn tiểu thuyết “Nợ đời”, dài trên 600 trang, được nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2001. Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành bộ phim dài tập có tên là “Đường đời”.

Bộ phim được hai nhà văn Thùy Linh và Trung Trung Đỉnh viết kịch bản, nhà văn Phạm Ngọc Tiến và biên kịch Đặng Diệu Hương biên tập, đạo diễn Quốc Trọng dàn dựng. Nhân vật Hải là nguyên mẫu của ông Khai, được xây dựng là một người “lang bạt kỳ hồ” và làm nghề thầy thuốc. Phim từng đoạt giải vàng ở thể loại phim truyện truyền hình trong Liên hoan phim truyền hình Việt Nam năm 2005.

Cuộc đời của ông Khai có vẻ lận đận và bôn ba. Ông Khai theo đuổi ngành kiến trúc nhưng sau đó ông bỏ học và vượt biên sang trái phép sang Trung Quốc. Tại đây, ông may mắn được một bà chủ hiệu thuốc nâng đỡ và học được nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y.

Tội vượt biên trái phép, ông bị bắt, bị phạt tù và giam giữ 3 năm. Ra tù, ông về quê và bắt đầu công việc chữa bệnh bằng các bài thuốc đã học được trong thời gian ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do nợ tiền các hiệu thuốc quanh vùng khá nhiều nên ông phải bán xới để vào Nam lập nghiệp.

Từ đây, những thay đổi trong cuộc đời Nguyễn Hữu Khai bắt đầu. Chuyện đời, chuyện làm ăn lận đận, thành công có, phức tạp có. Chuyện tình duyên, hôn nhân cũng vậy khi ông có tới 4 đời vợ.

Lãng mạn và đa đoan

Có người cho rằng, ít ai nghĩ về ông Khai như một “doanh nhân”, một phần bởi ông quá lãng mạn, không đặt chuyện kinh doanh kiếm lời làm đại sự. Ngay cả khi “cuộc chiến” thương mại trong lúc nước sôi lửa bỏng ông vẫn tin rằng: “Khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời” xảo thuật, tinh ranh không có khuôn mẫu, giới hạn, “biết đủ chẳng nhục, biết dừng chẳng nguy”.

Ông Khai từng nổi tiếng là thầy lang mát tay từng cứu chữa nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Những cảnh ngộ khốn khó, éo le được báo chí hay dư luận quan tâm thì ngay lập tức Bảo Long nhảy vào với vai trò Mạnh Thường Quân cứu vớt. Ông Khai cho rằng: “Bệnh nhân chính là thầy của mình. Cứu chữa họ chính là nâng tầm kiến thức cho ta, nâng tầm hồn của ta, giúp ta tự hoàn thiện mình, tự cứu chữa mình. Bởi không có bệnh hiểm nghèo thì không có thầy thuốc giỏi”.

Ông Nguyễn Hữu Khai
Ông Nguyễn Hữu Khai

Ngoài nghề thuốc, Nguyễn Hữu Khai còn say mê thể thao và văn nghệ. Người ta còn nhắc đến ông như một nhà thơ không chuyên. Ông đã từng viết truyện thơ "Tình quê", xuất bản tập thơ "Lửa tình", viết nhiều truyện ngắn khác. Khá nhiều bài thơ được phổ nhạc kèm theo nhiều lời bình luận của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Ông Khai cũng đã từng thử sức mình trong lĩnh vực truyện ngắn và có hàng loạt truyện dí dỏm, bi hài đã in trên nhiều tờ báo.

Ông còn là cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo, đặc phái viên của báo Thể thao Việt Nam sang Paris viết về World Cup 98, rồi một thời đứng ra làm chuyên san Khỏe đẹp.

Còn lắm “nợ đời”

Chữ “nợ đời” sau này được ông Nguyễn Hữu Khai nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong các cuộc tiếp xúc với báo chí, truyền thông với câu quen thuộc “nợ đời trả mãi chưa xong”.

Ông Khai đã từng tâm sự: “Người xấu ở đâu cũng lắm. Nhưng người tốt nơi nào cũng nhiều. Tôi chịu ơn nhiều người, mà họ lại chẳng cần mình trả ơn. Vì thế giúp được ai việc gì tốt là tôi làm ngay, chẳng hề suy tính thiệt hơn. Coi như đang trả nợ cho chính cuộc đời mình vậy”.

Trải qua một quá trình gian khổ gây dựng Đông Nam dược Bảo Long, có những năm tháng, Nguyễn Hữu Khai rơi vào tình cảnh “tay trắng” tuyệt vọng. Câu nói mà Nguyễn Hữu Khai tâm niệm và ông thường nhắc nhở học trò của mình: “Mất tiền mất của là chưa mất gì. Mất lòng tin là mất một nửa. Mất ý chí là mất tất cả”.

Về phương diện cá nhân với những đóng góp của mình trong lĩnh vực đông y, năm 2002, ông Nguyễn Hữu Khai được Viện Hàn lâm khoa học Nga phong tặng học vị Tiến sĩ danh dự bởi luận án khoa học nghiên cứu sản phẩm đông dược đặc hiệu.

Tiếp đó năm 2005 ông Khai vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì Sức khoẻ cộng đồng và nhiều Bằng khen của các cơ quan Trung ương và địa phương. Năm 2007, ông Khai tiếp tục được vinh danh “Ngôi sao Việt Nam”.

Lẽ ra ở cái tuổi lục tuần này, ông Nguyễn Hữu Khai đã được nghỉ ngơi, thảnh thơi viết sách, ghi lại những kinh nghiệm quý của cuộc đời và thu hái thành tựu bao nhiêu năm gian khó tạo dựng của mình. Nhưng ông đã không may mắn mà vẫn mang hạn nặng.

Vào ngày 15/6, ông Nguyễn Hữu Khai đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “Sử dụng trái phép tài sản”. Việc bắt giữ ông Khai được thực hiện tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM).

Cơ quan an ninh điều tra, công an TP. Hà Nội xác định từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Khai đã có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Theo D.A
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm