1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kiểm tra kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam: Vẫn là chậm?

“Đáng lẽ chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa từ xa. Việc lập đoàn kiểm tra kho nhôm thời điểm này dù chậm trễ nhưng vẫn hết sức cần thiết”.

Cần thiết nhưng chậm trễ

Ngày 4/5, Bộ Công Thương phát đi thông báo sẽ lập đoàn liên ngành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Thời gian kiểm tra dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 5/2017.

Mục tiêu của đợt kiểm tra là nhằm kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về xuất xứ hàng hóa trên cơ sở các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa.

Theo chương trình công tác, đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ làm việc với Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu nhôm nhiều trong thời gian qua.

Trao đổi với Đất Việt, TS, LS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM hoan nghênh động thái trên từ Bộ Công Thương trong việc làm rõ ràng nguồn gốc hàng hóa.

Tuy nhiên theo vị chuyên gia, quyết định của các cơ quan nhà nước vào thời điểm này là hơi chậm trễ. Bởi lẽ trước đó báo chí trong nước đã có hàng loạt bài viết phản ánh về kho nhôm khổng lồ của doanh nghiệp Trung Quốc tại Bà Rịa – Vũng Tàu.


Kho nhôm 500.000 tấn tại Vũng Tàu

Kho nhôm 500.000 tấn tại Vũng Tàu

Thậm chí, báo chí quốc tế còn có loạt điều tra và đặt nghi vấn 500.000 tấn nhôm đùn được chuyển từ Mexico đến Việt Nam nhiều khả năng có liên quan đến ông Liu Zhongtian, chủ tịch Cty nhôm China Zhongwang Holdings, một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

“Đáng lẽ chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa từ xa. Khi doanh nghiệp Trung Quốc xin nhập khẩu và phía Mexico xuất khẩu sang Việt Nam, các cơ quan nhà nước phải nắm đầy đủ cơ sở dữ liệu.

Nếu thực sự doanh nghiệp Trung Quốc mua về để làm nguyên liệu sản xuất thì có thể xem xét đồng ý. Còn nếu theo kiểu “tạm nhập tái xuất” rồi tìm cách xuất khẩu ngược lại sang các nước thì phải kiên quyết xử lý. Tôi nghĩ chúng ta có đầy đủ cả nhưng vấn đề là chúng ta phản ứng nhanh hay chậm thôi”, ông Tín nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Cao Đoàn cũng nhận định các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn thụ động, chưa thật sự trách nhiệm, quyết liệt trong việc quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu.

“Tôi thấy việc này cần phải nhanh chóng làm rõ. Doanh nghiệp Trung Quốc nhập một số lượng nhôm lớn vào Việt Nam để làm gì? Họ nhập về làm nguyên liệu sản xuất hay theo kiểu tạm nhập tái xuất? Tại sao cơ quan quản lý nhà nước lại không nắm rõ việc này và yêu cầu họ giải trình rõ trước khi đồng ý cho nhập khẩu? Rõ ràng quản lý của chúng ta đang rất lỏng lẻo”, ông Đoàn đặt câu hỏi.

Làm rõ nguồn gốc không khó

Về việc kiểm tra kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Sơn Lâm - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Gang Thép - ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng việc này không hề khó khăn.

Theo PGS.TS Lâm, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhôm chính thống, nhôm sạch. Các loại nhôm dạng tái sinh, tái chế, một số doanh nghiệp, đơn vị có thể làm được.

Đặc biệt, sản xuất nhôm theo hình thức điện phân alumina thì tại Việt Nam mới có nhà máy bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng).

Dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư mới khởi công. Theo tính toán phải nhiều khả năng đến năm 2020 Việt Nam mới làm nhôm sạch được.

“Chúng ta không có nhôm sạch nên việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ nhôm không hề khó khăn. Cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể kiểm tra hình dáng, kích thước của nhôm hay kiểm tra thông tin trên các lô sản phẩm dựa vào các ký hiệu có sẵn. Còn nếu cẩn thận hơn, các chuyên gia có thể phân tích thành phần để xem đó là loại nhôm gì. Quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm hay không thôi”, ông Lâm nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng hoàn toàn có thể yêu cầu phía cơ quan hải quan phối hợp kiểm tra. Bởi lẽ khi doanh nghiệp nhập khẩu một số lượng lớn nhôm đều phải có các chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, mục đích sử dụng rõ ràng.

Hệ lụy đáng lo nếu không làm rõ

TS Bùi Quang Tín cho rằng việc kiểm tra, công khai minh bạch mục đích nhập khẩu nhôm số lượng lớn của doanh nghiệp Trung Quốc hết sức quan trọng vào thời điểm này.

Theo vị chuyên gia, trước đó nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đã bị nghi ngờ là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam. Nếu không làm rõ thì về lâu dài, uy tín của chúng ta với quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.

“Hàng hóa Trung Quốc rất rẻ nên gần như rất nhiều mặt hàng bị đánh thuế. Thời gian qua để tìm cách hạn chế việc này, Trung Quốc đã tìm cách xuất khẩu nguyên liệu sang các nước theo kiểu “tạm nhập tái xuất” rồi xuất ngược lại thị trường các nước để hưởng mức thuế ưu đãi.

Không loại trừ khả năng, lần này phía công ty nhôm của Trung Quốc cũng có những toan tính như vậy. Nếu thật sự như vậy thì rất nguy hiểm. Thứ nhất, Việt Nam sẽ mất uy tín. Thứ hai, doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi vì mức thuế xuất khẩu bị đánh thấp, trong khi nhà nước ta không được gì. Thứ ba, việc sản xuất nhôm cũng tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, thậm chí ngang với Formosa”, TS Tín nói.

PGS.TS Lê Cao Đoàn cũng lo ngại, nếu tình trạng trên kéo dài, Việt Nam sẽ thành bãi trung chuyển hàng hóa hoặc thành nơi để nước khác lợi dụng thực hiện mục tiêu của họ.

“Nếu xảy ra chuyện gì, Việt Nam chịu trách nhiệm chứ Trung Quốc không bị thiệt hại gì cả. Vì vậy Việt Nam phải siết chặt vấn đề quản lý nhà nước, đặc biệt là khâu xuất nhập khẩu để hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Hoàn
Báo Đất Việt