Kiểm toán từ chối nêu ý kiến, một doanh nghiệp bị “đá văng” khỏi sàn chứng khoán
(Dân trí) - Nguyên nhân khiến đơn vị kiểm toán “cạn lời” với doanh nghiệp này xuất phát từ những hoạt động cho vay, góp vốn, giao dịch… thiếu minh bạch và rõ ràng khiến bản thân kiểm toán viên không thể khẳng định được “tính đúng đắn” của những nghiệp vụ nói trên. Và một khi đơn vị kiểm toán đã từ chối nêu ý kiến thì doanh nghiệp khó tránh khỏi bị hủy niêm yết.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đưa ra thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu G20 của Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may G.HOME. Theo đó, cổ phiếu G20 sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 21/7/2017 và ngày giao dịch cuối cùng trên sàn HNX là 20/7/2017.
Số lượng cổ phiếu bị hủy niêm yết theo thông báo này là 14,4 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 144 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu G20 bị “loại khỏi cuộc chơi” được HNX cho biết do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, dẫn đến doanh nghiệp này bị rơi vào diện hủy niêm yết theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ.
Việc đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo kiểm toán của G20 chủ yếu xuất phát từ báo cáo tài chính của công ty liên kết là Golden Vtec.
Kiểm toán viên cho biết, không thể tham gia chứng kiến công tác kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm và không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2016 là trên 3,9 tỷ đồng.
Tháng 4/2016, G20 cho công ty này vay 25 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, đầu tư máy móc thiết bị, nhưng theo kiểm toán viên thì công ty này lại không sử dụng nguồn vốn vay này theo mục đích nêu trên. Đến tháng 6/2016, Golden Vtec tiếp nhận bổ sung thành viên mới là G20 góp vốn bằng hình thức chuyển đổi nợ vay thành vốn góp với số tiền 15,68 tỷ đồng và theo đơn vị kiểm toán, việc tăng vốn cũng không có mục đích rõ ràng.
Đáng nói là sau khi tăng vốn điều lệ, số dư tiền mặt tồn quỹ dao động từ 26 đến 27 tỷ đồng. Đầu tháng 12/2016, công ty này họp thông qua phương án cho các cá nhân vay với mục đích tiêu dùng cá nhân bằng tiền mặt với số tiền 26 tỷ đồng, được đảm bảo bằng đất và tài sản trên đất của các đối tượng vay.
“Với thực trạng như trên, kiểm toán viên không đưa ra ý kiến về tính đúng đắn của các nghiệp vụ cho vay và góp vốn nêu trên”, cơ quan kiểm toán cho biết.
Trong năm 2016, G20 cũng bán hàng cho Công ty CP Quốc tế Everhome và Công ty CP May và Xuất nhập khẩu Sơn Tây với giá trị 5,8 tỷ đồng và 14,1 tỷ đồng, thời hạn thanh toán chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày xuất hàng. Nhưng đến thời điểm phát hành báo cáo là 20/4/2017 thì khoản công nợ phải thu gần 20 tỷ đồng vẫn chưa được thu hồi. Do đó, kiểm toán viên cũng cho biết, không đưa ra ý kiến về tính đúng đắn của các nghiệp vụ kinh tế nêu trên...
Sau đó, G20 cũng đã có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng bị hủy niêm yết do báo cáo tài chính năm 2016 bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Cụ thể, đối với Công ty Golden Vtec, G20 đã góp vốn 49% nhưng không tham gia quản lý và điều hành, do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này chưa được minh bạch, rõ ràng dẫn đến nằm ngoài tầm kiểm soát của G20. Hiện G20 đang tiến hành thu hồi dứt điểm phần vốn góp và các khoản tạm ứng, các khoản nợ của Golden trước ngày 31/7/2017.
G20 là trường hợp hiếm hoi nhưng không phải duy nhất bị hủy niêm yết vì bị kiểm toán từ chối nêu ý kiến với báo cáo tài chính. Trước đó, hồi năm ngoái, CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS), hay mới đây là cổ phiếu PVR của CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt cũng đã phải đối mặt với "bản án" hủy niêm yết với lý do tương tự.
Bích Diệp