Kiểm toán Nhà nước: Mua sắm thiết bị y tế “đưa bao nhiêu, duyệt bấy nhiêu”

(Dân trí) - Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, do chưa có cơ sở dữ liệu về giá vật tư, hàng hóa nên ngành y tế phê duyệt giá kế hoạch các thiết bị y tế dựa trên thông tin các bệnh viện đưa lên, thậm chí có tình trạng đưa bao nhiêu duyệt bấy nhiêu.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo tổng kết của Kiểm toán Nhà nước về quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) năm 2015.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện, việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Trong đó, một số vật tư có loại gấp 6,7 lần như 1 cái kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức 1.090 đồng thì ở Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350 đồng; có loại gấp 4,8 lần như 1 dây truyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai 3.675 đồng nhưng Bệnh viên Hữu Nghị Việt Đức lên tới 18.000 đồng; Hóa chất có loại gấp 5,8 lần giữa các bệnh viện…

Việc sử dụng trang thiết bị y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng kém hiệu quả. Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được.

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy, 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng đồng; nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).

"Đưa bao nhiêu, duyệt bấy nhiêu"

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3, báo chí có đưa phản hồi của lãnh đạo ngành y tế cho rằng kết luận của Kiểm toán Nhà nước "chưa sát". Tuy nhiên, đại diện Kiểm toán Nhà nước khẳng định, tới thời điểm hiện tại, cơ quan này chưa nhận được văn bản phản hồi nào về kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

“Toàn bộ kết luận kiểm toán đều có bằng chứng cụ thể. Chúng tôi không phải chuyên gia y tế, không có chuyên môn, khi làm việc chúng tôi tôn trọng ý kiến của các nhà quản lý, của bộ, của địa phương, bác sỹ, chuyên gia y tế, nên khi làm chúng tôi đã trao đổi kỹ,” ông Tân nói.

Theo ông Tân, công tác quản lý giá của Bộ Y tế còn hạn chế, có tình trạng lãng phí vì chưa có cơ sở dữ liệu giá vật tư, hóa chất theo từng loại như giá nhập khẩu, giá sản xuất trong nước, giá trúng thầu,…

"Việc phê duyệt kế hoạch của ngành y tế chỉ dựa vào thông tin của của cơ sở cấp dưới là bệnh viện đưa lên và “đưa bao nhiêu, duyệt bấy nhiêu. Có khi các bệnh viện chỉ cung cấp khoảng 3-4 báo giá của các nhà cung cấp và chính những báo giá này cũng không hề có cơ sở đối chứng. Có giám đốc bệnh viện thừa nhận là cơ sở cung cấp thiết bị y tế cung cấp giá sai nên bộ duyệt sai. Cuối cùng đấu thầu rồi về không cung cấp được vì giá không đúng,” đại diện Kiểm toán Nhà nước nói.

Ông Tân cũng nêu tinh trạng giá vật tư, hóa chất chỉ được phê duyệt chung chung, không rõ chủng loại, thông số kĩ thuật và dùng làm gì.

“Khi phê duyệt giá phải nói rõ chủng loại đó dùng vào việc gì. Do phê duyệt giá chung chung, làm giá chung chung nên giá chênh lệch nhau lớn, giá trúng thầu nhiều trường hợp chênh tới 50% hoặc tới vài lần so với giá kế hoạch”, ông Tân nói.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Như vậy, chúng tôi chỉ muốn minh chứng việc quản lý giá của Bộ Y tế chưa tốt nên kiến nghị để khắc phục, để có giải pháp tăng cạnh tranh, tránh thất thoát rồi ảnh hưởng cuối cùng tới túi tiền bệnh nhân”.

Kiểm toán toàn diện sẽ còn nhiều vấn đề

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Cao Tấn Khổng khẳng định: "Về kết quả kiểm toán, trong cả quá trình lao động nghề nghiệp, chúng tôi làm rất nghiêm túc và trong quá trình thực hiện cũng có kiểm soát thường xuyên, sau đó mới đưa ra hội đồng cấp vụ bình luận, phản biện trước khi công bố kết luận. Tất cả đánh giá đều lệ thuộc vào bằng chứng, nếu không thu thập đầy đủ thì đánh giá không chỉn chu và không chính xác bởi kết luận kiểm toán là sinh mạng chính trị của cả một con người nên phải gắn liền với trách nhiệm, đạo đức".

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kiểm toán khẳng định: "Nếu có thời gian, điều kiện, hành lang cho phép kiểm toán toàn diện đấu thầu thuốc, dược, trang thiết bị trên toàn quốc, chọn những điểm lớn để đánh giá sẽ còn nhiều vấn đề".

Theo một đại diện Kiểm toán viên khu vực 12, phụ trách khu vực Gia Lai, Kontum, Đắk Lắk: "Khi kiểm toán việc mua sắm trang thiết bị, chúng tôi thấy quy trình thủ tục họ thực hiện đúng. Nếu theo đúng luật đấu thầu, giá trúng thầu là giá quyết toán công trình. Tuy nhiên giá trúng thầu nhiều trang thiết bị bất hợp lý so với giá nhập khẩu của chính trang thiết bị ấy. Cho nên chúng tôi đã kiểm toán lại giá dự toán của các gói thầu và so sánh với giá trúng thầu xem xem giá trúng thầu có vấn đề gì hay không".

"Qua kiểm toán, chúng tôi nhận thấy giá trúng thầu so với giá nhập khẩu CIF cao hơn 2,53 lần, trong đó 1 số trang thiết bị giá mua cao hơn giá nhập khẩu 4-7 lần, cá biệt có trang thiết bị mua giá cao hơn 20 lần, như có thiết bị là máy monitor 14 inch mua 114 triệu đồng nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu đồng", vị này cho biết.

Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước: "Khi đưa ra kết quả, các bệnh viện, sở y tế có ý kiến, nói là thực tế họ không thể lấy được báo giá nhà sản xuất mà thông qua các doanh nghiệp nhập khẩu. Họ dựa báo giá nhà sản xuất, và thực hiện quy trình thẩm định giá. Họ phê duyệt dự toán, đấu thầu rộng rãi đồng thời họ dẫn chứng nhiều cơ sở y tế mua trang thiết bị y tế với giá tương tự. Chúng tôi không kiểm chứng được thông tin này nên không nêu trong kết luận".

"Mặt bằng chung giá thiết bị y tế ở Việt Nam đang bất hợp lý. Nguyên nhân là do chính sách độc quyền lựa chọn nhà phân phối của các nhà sản xuất, có nhà sản xuất chỉ chọn 1-2 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thôi nên bất cứ doanh nghiệp nào trúng thầu cũng thông qua họ khiến giá thiết bị y tế Việt Nam mới cao như vậy. Vấn đề này, cơ quan quản lí cần quan tâm", ông nói thêm.

Phương Dung