Kiếm gần 10 triệu đồng/ngày nhờ dịch vụ... chụp ảnh vườn cải
Với những người làm nông nghiệp, quanh năm tất bật với công việc đồng áng mà lợi nhuận thu về chẳng là bao thì hình thức kinh doanh vườn cải như hiện nay lại là một hướng mới giúp họ cải thiện kha khá cuộc sống, nhất là vào những tháng 11, 12 của năm.
"Trung tâm" dịch vụ chụp ảnh
Những vườn cải mênh mông ở Gia Lâm, gần trường Đại học Nông nghiệp được xem là điểm dừng chân lý thú của nhiều du khách, đa số là các bạn trẻ, đã xuất hiện khoảng 5 năm năm nay.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Kiến nghị cho tự thỏa thuận giá trị nhà ở |
Là một trong những hộ đầu tiên kinh doanh dịch vụ vườn cải, cô Hon, 51 tuổi chỉ tay về phía vườn cải của nhà rồi nói: “ Những ngày thường thì lượng khách đến chơi và chụp ảnh khoảng vài chục người, đa số là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp, nhưng đến cuối tuần thì khách đông lên đáng kể, trung bình cứ vài trăm người một ngày, chỗ để xe còn chật kín đến nỗi mặt đất bị san phẳng và cỏ thì trơi trụi.”
Chị Nguyễn Thị Tâm - một chủ vườn cải - cho biết, ngày trước cứ đến vụ đông là người dân ở đây chuyển sang trồng cải bán rau rồi lấy hạt để gieo vụ sau hoặc để bán, thu nhập cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng. Nhưng từ khi có một số du khách thấy vườn cải nở hoa vàng rực tự ý vào chụp ảnh, lúc đầu thì bị chủ vườn “đuổi”, về sau, thấy có thế kiếm thêm thu nhập từ hình thức thu vé vào chụp ảnh nên các chủ vườn bắt đầu chuyển sang kinh doanh loại dịch vụ này.
Khi dịch vụ vườn cải nở rộ trong vài năm trở lại đây, các hộ kinh doanh cũng khó khăn hơn để “lôi kéo” khách đến với vườn cải, có khi phải theo từ bãi gửi xe mà cuối cùng khách lại không đồng ý vào vườn cải nhà mình. Bên cạnh đó, các chủ vườn cũng phải bỏ không ít công sức chăm chút và “canh chừng” trước cảnh du khách tự do chạy nhảy, tạo dáng đủ các tư thế, bất chấp chủ vườn “dọa” sẽ phạt tiền nếu làm nát hoa cải.
Chỉ chốc lát sau khi cảnh “vùi hoa dập liễu” diễn ra, một số khóm cải đã đổ rạp và gãy nát, thậm chí đến cuối vụ chỉ còn trơ trụi mặt đất với những cây cải ngã rạp, khô cháy. Tuy xót xa trước cảnh tượng ấy, nhưng các chủ vườn sau vài lời nhắc nhở khách cũng vui vẻ cho qua, bởi thu nhập từ loại dịch vụ chụp ảnh trong vườn cải đang mang lại cho những người nông dân này nguồn thu nhập đáng kể.
Kiếm lời gần chục triệu một ngày
Với những người làm nông nghiệp, quanh năm tất bật với công việc đồng áng mà lợi nhuận thu về chẳng là bao thì hình thức kinh doanh vườn cải như hiện nay lại là một hướng mới giúp họ cải thiện kha khá cuộc sống, nhất là vào những tháng 11, 12 của năm.
Khoảng tháng 8 là các hộ nông dân ven đô bắt đầu chuyển sang trồng cải. Trung bình phải 3 – 4 tháng sau hoa cải mới nở đẹp và mới hấp dẫn du khách tới chụp ảnh.
Chị Tâm thẳng thắn chia sẻ, ở khu vực đồng cải gần trường Đại học Nông nghiệp có khoảng 40 hộ làm dịch vụ vườn cải, trung bình mỗi nhà có 1 – 2 luống kết hợp với dịch vụ trông xe là đã có thể kiếm lời kha khá.
Du khách đến chơi và chụp ảnh ở vườn cải chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường trong nội thành Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều đôi vợ chồng trẻ muốn có những bức ảnh cưới lãng mạn hoặc các gia đình, bạn bè với nhóm khoảng 4, 5 người muốn ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ, đẹp đẽ cũng lựa chọn vườn cải làm địa điểm chụp hình lý thú.
Để được vào vườn cải chụp ảnh, du khách phải trả tiền vé dao động từ 15 – 20.000 đồng. Ngoài ra còn có phí gửi xe máy là 10.000 đồng và ô tô là 50.000 đồng. Đối với những đoàn chụp ảnh cưới phải trả 200.000 đồng một đoàn. Nếu muốn có những bức hình đẹp chụp từ trên cao thì phải trả thêm 20.000 đồng để thuê thang đã được chủ vườn chuẩn bị sẵn.
Các mức phí đó hoàn toàn được du khách chấp thuận vì so với thú vui chụp ảnh và được thư thái sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng thì bỏ ra vài chục ngàn cũng không đáng là bao.
Cô Hon phấn khởi chia sẻ: “Ngày cuối tuần trung bình có khoảng 200 khách vào vườn chụp ảnh, các đoàn chụp ảnh cưới cũng nhiều nên thu nhập cũng được vài triệu một ngày. Có ngày cao điểm thì được khoảng 5, 6 triệu, hơn hẳn so với trồng lúa, trồng rau, vất vả quanh năm mà thu nhập lại thấp.”