Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XII:

Kịch bản về tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Theo TS Lưu Bích Hồ: "Mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới khoảng từ 6,5-7% là phù hợp... Việt Nam gần như khó có khả năng tăng trưởng vượt ngưỡng trên 7% nhưng dưới 6,5% thì có thể".

Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phân tích một số điểm mới trong Dự thảo văn kiện Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.


TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Ảnh: VietnamNet)

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Ảnh: VietnamNet)

Thưa ông, tại Dự thảo này có đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới đạt mức 6,5-7%, cao hơn so với mức trung bình 5,82% trong 5 năm qua. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?

TS Lưu Bích Hồ: Theo cá nhân tôi, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7% có thể đạt được trong bối cảnh nền kinh tế diễn biến bình thường, các chính sách đổi mới, tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và vấn đề ổn định vĩ mô tiếp tục được thực hiện. Đồng thời, phải giải quyết được các vấn đề dự thảo đã nêu như nợ xấu, nợ công.

Còn nếu không giải quyết được những vấn đề trên và tình hình kinh tế thế giới biến động lớn, trong đó nhiều khả năng tổng cầu tiếp tục suy giảm thì chưa chắc đã đạt được mục tiêu này. Chúng ta đặt ra khoảng từ 6,5-7% nhưng theo tôi đánh giá, Việt Nam gần như không có khả năng tăng trưởng vượt ngưỡng trên 7% nhưng dưới 6,5% thì cũng có thể.

Vậy đâu là những điểm hạn chế của nền kinh tế hiện nay, thưa ông?

TS Lưu Bích Hồ: Rất khó có thể nói điểm hạn chế nào là lớn nhất với nền kinh tế hiện nay nhưng theo cá nhân tôi, tình hình của chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngay như nội tại nền kinh tế trong nước cũng vẫn còn nhiều yếu kém, chưa thực sự thoát ra khỏi vòng suy giảm tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc. Cái khó là làm sao để thoát khỏi tình trạng này.

Để thoát ra được thì phải giải quyết được các vấn đề trước mắt và tích cực đẩy mạnh chính sách có tính chất cơ bản trong trung dài hạn. Cụ thể, phải thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì mới có khả năng vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay, tốc độ tăng trưởng mới đạt được như mong muốn.

Tại Dự thảo văn kiện đề ra mục tiêu trong 5 năm tới, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt trên 85%, nông nghiệp giảm xuống dưới 15%. Theo ông đây có phải là một cơ cấu được xác định phù hợp với Việt Nam? 

TS Lưu Bích Hồ: Mục tiêu chiến lược là như vậy và tất nhiên đã có tính toán cẩn thận. Cá nhân tôi nghĩ, nếu có thực hiện được thì phải kèm theo yêu cầu, không chỉ số liệu, số lượng như vậy mà cũng cần tính xem chất lượng phải như thế nào. Nếu vẫn theo mô hình như hiện nay, dù cơ cấu đạt như vậy thì ý nghĩa sẽ giảm đi nhiều và chưa chắc đã làm được.  

Cũng là 85% công nghiệp và dịch vụ nhưng hiệu quả tăng trưởng để đạt cơ cấu như vậy có đích đáng hay không? Cũng như nông nghiệp còn lại 15% nhưng năng suất lao động, năng suất cây trồng và năng suất tổng thể phải được tăng lên chứ không phải đi mãi theo con đường sử dụng lao động đơn giản, đổ thêm vốn, khai thác hết tài nguyên vốn có. 

Giải pháp đột phá?

Thực tế, văn kiện chỉ rõ, trong 5 năm qua, nhiều chỉ tiêu công nghiệp hoá không đạt được trong khi khu vực nông nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn khi Việt Nam tham gia hội nhập. Vậy theo ông đâu là giải pháp đột phá mà Việt Nam có thể thực hiện được? 

TS Lưu Bích Hồ: Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ, 5 năm qua chúng ta có rất nhiều khó khăn khi mà nội tại nền kinh tế đang có nhiều yếu kém cộng với hạn chế, thiếu sót trong điều hành nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế biến động khiến mục tiêu đến 2020 trở thành nước công nghiệp hoá như đã đề ra trong chiến lược không thực hiện được. Vấn đề là làm sao để trong giai đoạn tới, chúng ta làm tốt những gì đã đề ra nhằm cải thiện được tình hình, có nghĩa là bù đắp được một phần những "hẫng hụt" của 5 năm vừa qua.

Tuy nhiên, thực tế cũng không thể bù đắp được hết đâu. Do đó, dự thảo đưa ra chúng ta không đặt mục tiêu đến năm 2020 thành nước công nghiệp nữa mà chỉ tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tức là đẩy lùi lại một thời gian nhưng đến bao giờ còn phải tính chờ đề án sắp tới.

Ông đánh giá như thế nào đối với đề xuất "Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp”?

TS Lưu Bích Hồ: Đây không phải là vấn đề bây giờ mới được đưa ra mà đưa ra nhiều lần và lâu rồi. Đây là hướng đi dứt khoát phải làm nhưng vấn đề là chúng ta làm thế nào? Điều này đòi hỏi, Việt Nam phải cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thay đổi được trình độ quản lý, quản trị DNNN. Đồng thời, phải có chính sách vĩ mô đúng lúc, đúng đắn để phát huy hiệu quả của DNNN thì mới có thể tách ra. Văn kiện cũng nêu rõ đây không chỉ công việc của doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ ngành mà cả hệ thống chính trị phải tham gia vào cuộc.

Còn về mục tiêu, trong 5 năm tới, mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, theo ông, có nhiều tính khả thi không?

TS Lưu Bích Hồ: Không phải chờ tới năm 2020 đâu mà theo cam kết, đến năm 2018 Việt Nam phải thực hiện điều đó để được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Theo tôi, ở đây, doanh nghiệp là chủ thể của kinh tế thị trường, do đó, muốn theo kinh tế thị trường thì toàn bộ hệ thống doanh nghiệp phải đổi mới. Trong đó, quan trọng nhất là khu vực DNNN vốn có nhiều tồn tại. Tiếp đó là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. 

Xin cảm ơn ông!

Phương Dung (thực hiện)

Kịch bản về tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam - 2