Kịch bản nào cho thị trường BĐS Đà Nẵng trong tương lai?
(Dân trí) - Bước sang quý III/2019, giao dịch BĐS tại thị trường Đà Nẵng chậm nhịp hơn so với đầu năm. Dù vậy, giới đầu tư vẫn tin vào một kịch bản tươi sáng hơn vào cuối năm nay, khi nhiều yếu tố đang có lợi cho thị trường này.
Nhiều chính sách “đường dài” tạo đà BĐS phát triển
Đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Nghị quyết số 43, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á.
Năm 2019, Đà Nẵng đặt trọng tâm vào công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đồng thời đẩy nhanh thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Trên thực tế, từ đầu năm 2019 đến nay Đà Nẵng đã có nhiều bứt phá về kinh tế, du lịch và quy hoạch chung,…
TP. Đà Nẵng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm như Cảng Liên Chiểu; nâng công suất Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng; triển khai thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hạ tầng dịch vụ logistics, trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất đầu tư các khu logistics chuyên nghiệp: Khu logistics Hòa Nhơn, Khu logistics trong Khu công nghệ cao, Khu logistics tại khu vực phía Tây Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và phát triển mạng lưới giao thông kết nối Trung tâm logistics.
Trong đó, đáng chú ý, năm 2019 là năm mà hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn về Đà Nẵng, trong đó chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật, Singapore, Đài Loan,… Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tập trung về công nghệ cao và du lịch. Trong đó đáng chú ý là dự án được kỳ vọng trở thành “Thung lũng Silicon” của Đà Nẵng - Da Nang IT Park. Khi hoàn thành toàn bộ, Da Nang IT Park đạt mức doanh thu 1,5-3 tỷ USD/năm, thu hút 25.000 lao động trình độ cao.
Đặc biệt về du lịch, trong bảng xếp hạng của Airbnb, Đà Nẵng đứng thứ 5 toàn cầu và số 1 tại Đông Nam Á về thu hút khách du lịch, vượt Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia). Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 4,3 triệu lượt, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Phát huy thế mạnh du lịch, thành phố Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn Singapore tiến hành làm lại quy hoạch chung trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
“Cửa sáng” cho đất nền
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường từ năm 2017 cho đến đầu tháng 6/2019, BĐS Đà Nẵng tăng mạnh ở phân khúc đất nền với mức tăng gấp 3 lần. Đáng chú ý, 97% nguồn cung nhà phố, biệt thự trong 3 năm đã tiêu thụ hết. Và dù trong giai đoạn giao dịch thị trường chậm nhịp, phân khúc đất nền, nhà phố tại các dự án lớn ở Đà Nẵng vẫn giữ giá.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Đà Nẵng cũng đang chứng kiến làn sóng âm thầm đầu tư đặc biệt vào phân khúc đất nền hoặc nhà phố để tận dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời “đi trước, đón đầu” cơ hội tăng trưởng trong quý IV và kéo dài tới quý I năm tiếp theo.
Theo giới chuyên gia BĐS, Khu Tây Bắc Đà Nẵng đang là “vùng sáng” nhờ quỹ đất rộng, quy hoạch chú trọng phát triển công nghệ cao và du lịch, đặc biệt, giá đất ở mức “mềm” nhất trong thành phố.
Trong tổng thể 56 dự án lớn toàn Đà Nẵng, khu Tây Bắc chiếm nguồn vốn gần 850 triệu USD. Riêng khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã có gần chục dự án đầu tư với tổng vốn ban đầu 250 triệu USD, trong đó 3 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Khu đô thị sinh thái Golden Hills rộng gần 400ha cũng được đầu tư, cung cấp nguồn cung chất lượng cho thị trường BĐS khu vực này.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt kinh phí hơn 46 tỷ đồng đầu tư phát triển và khai thác du lịch tại 7 bãi biển trên tổng chiều dài gần 9 km tại khu Tây Bắc. Công viên biển tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại bãi biển Xuân Thiều, đầu tư bởi Nhật Bản, kinh phí 100 triệu USD đã khởi công.
Các chuyên gia cho rằng, dòng vốn đầu tư lớn bước đầu thúc đẩy nhu cầu định cư, về lâu dài giúp hình thành các trung tâm kinh tế, du lịch và bất động sản cho Tây Bắc Đà Nẵng, nâng giá trị BĐS nơi đây tăng cao.