Khủng hoảng tài chính Mỹ: Chứng khoán Việt Nam có vạ lây?

Những đám mây đen trên thị trường tài chính Mỹ liệu có thể phủ bóng đến tận thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ngày 15/9/2008 là một ngày đặc biệt đối với giới đầu tư tại Mỹ, bởi từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, thị trường tài chính Mỹ mới có một cú sốc lớn đến như vậy. Ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, Merrill Lynch bị thâu tóm, AIG lao đao… và hệ quả là một phiên trượt dốc dài của thị trường chứng khoán Phố Wall.

Dưới góp độ cá nhân, tác giả bài viết xin tập trung vào việc phân tích các nhân tố để đưa ra kết luận, liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có bị tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này hay không?

Tác động từ sự lưu chuyển dòng vốn...

Về mặt lý thuyết, trước một cuộc khủng hoảng tài chính, các quỹ đầu tư sẽ co lại chờ đợi cơ hội, hoặc bán tháo các tài sản và chuyển thành ngoại tệ mạnh, hay nói cách là khác cơ cấu lại danh mục đầu tư theo định hướng riêng.

Thế nhưng, trong số các quỹ đầu tư vẫn xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn luôn tìm kiếm cơ hội khi thị trường có biến động thực sự. Và các cuộc khủng hoảng chính là cơ hội cho họ.

Do đó, còn quá sớm để nói về một cuộc rời bỏ thị trường ồ ạt, khi mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thường lẳng lặng mua cổ phiếu vào, và cũng “lẳng lặng” bán nó ra theo chiến lược của mình.

Một câu hỏi nhiều người đang quan tâm là liệu các dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam có sớm rút khỏi biên giới, trong trường hợp thị trường Mỹ và nhiều nước phát triển có biến động mạnh?

Bản chất của lưu chuyển dòng vốn trên toàn cầu là dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, chuyển từ nơi bị khủng hoảng sang thị trường có tiền năng hoặc an toàn hơn, và nó sẽ luôn vận động chứ không đứng yên.

Nếu thị trường Mỹ quá nhiều rủi ro thì dòng vốn ở thị trường này sẽ được chu chuyển sang thị trường có độ an toàn hơn hoặc có khả năng sinh lời cao hơn. Trên thực tế, chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và Mỹ đã lên đến trên 4%, trong khi đó lạm phát ở Mỹ lại cao hơn 2% so với mặt bằng lãi suất cơ bản ở nước này.

Vì vậy, các thị trường mới nổi, ít liên thông với các thị trường phát triển như Việt Nam thậm chí còn có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Ngoài ra, để trả lời câu hỏi này, cũng phải xét trên bình diện của quy mô, nguồn gốc và mục đích của các cổ đông góp vốn lập quỹ đầu tư vào Việt Nam.

Như chúng ta biết, các quỹ đầu tư muốn huy động vốn để đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam, họ phải có phương án, chiến lược và chứng minh rằng tính khả thi của thương vụ này. Trong đề án đưa ra, việc thời hạn đóng quỹ là rất quan trọng (thường sẽ kéo dài trong 5 năm đến 10 năm).

Việc xác định thời hạn đầu tư thường chỉ thay đổi nền kinh tế Việt Nam có biến động mạnh và họ không còn tin vào khả năng sinh lời của đồng vốn, thì lúc đó sự thay đổi đột ngột mới xẩy ra.

Nhưng một minh chứng gần đây cho thấy, trước những biến chuyển của kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam đã nâng thời hạn hoạt động từ 5 năm lên 10 năm. Điều này cho thấy trong dài hạn, họ vẫn tin vào sự phát triển của Việt Nam và quan trọng hơn là họ tin vào tính khả thi của việc thu lợi từ các khoản đầu tư tại Việt Nam.

Templeton Asset Management, một quỹ đầu tư khác, mới đây cũng đã tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính ở Việt Nam để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới trong xu hướng đi xuống.

Hơn nữa, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam không chỉ đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu để mua đi bán lại kiếm lời, mà nó còn được sử dụng vào hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, trở thành đối tác chiến lược, tham gia hội đồng quản trị của công ty cổ phần để điều hành với mong muốn thu về lợi nhuận cao nhất có thể. Nên, việc rút vốn không chỉ nói muốn là được.

Trong trường hợp các quỹ đầu tư đang đầu tư ở Việt Nam mà công ty mẹ bị phá sản, hay phải rút vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư, thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới quyết định có rút vốn khỏi Việt Nam hay không, nhưng cái giá phải trả cho việc đột ngột rút vốn này là không nhỏ.

...và tác động từ tâm lý

Nhiều người từng nói, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khi bị chi phối bởi tâm lý. Và có lẽ trong những ngày qua, khi thị trường tài chính thế giới gặp sóng gió, tâm lý lo lắng cũng một phần chuyển qua không ít nhà đầu tư Việt Nam.

Nhưng, tâm lý lo ngại của không ít nhà đầu tư Việt Nam về thị trường chứng khoán Mỹ có biến thành quyết định bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam trong hai ngày qua hay không, thì đó là câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo.

Theo quan điểm người viết, việc khủng hoảng tài chính tại Mỹ lan rộng sẽ khiến các nhà đầu tư Việt Nam thận trong hơn khi tiếp cận thị trường, nhất là những nhà đầu tư mới. Còn đối với các nhà đầu tư "kỳ cựu", nếu VN-Index tiếp tục tụt dốc mạnh qua ngưỡng 400 điểm, thì niềm tin của họ mới có thể bị lung lay mạnh.

Nhưng ngược lại, nếu kinh tế vĩ mô Việt Nam có tin tức thực sự tốt về chính sách tiền tệ, hay chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh… thì bất chấp thị trường thế giới trong cơn bĩ cực, có thể sự hưng phấn sẽ trở lại thị trường trong nước, dù ngó sang trời “Tây” vẫn thấy mây đen.

Dù vậy, sự nhìn nhận của cá nhân người viết chắc chắn chưa thể khái quát hết các góc cạnh của sự kiện này, do đó, những phản biện của bạn đọc sẽ còn cung cấp thêm những góc nhìn mới.

Theo Lê Minh
VnEconomy