Khủng hoảng, Phố Wall vẫn xài máy bay riêng
(Dân trí) - Dù đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng và phải tiêu tiền cứu trợ của chính phủ, nhưng lãnh đạo các tổ chức tài chính ở Phố Wall vẫn chưa bỏ được thói quen xa xỉ là đi công cán bằng máy bay riêng của công ty.
Theo khảo sát riêng của hãng tin AP, có sáu công ty tài chính nhận hàng tỷ USD tiền cứu trợ khẩn cấp từ chính phủ hiện vẫn sở hữu và vận hành đội máy bay riêng để đưa đón lãnh đạo tới các sự kiện doanh nghiệp, và đôi khi là cả các chuyến đi với mục đích cá nhân.
Lâu nay, máy bay riêng có vai trò như văn phòng trên không và là phương tiện giúp tiết kiệm thời gian cho lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời buổi khó khăn chồng chất như hiện nay, một số công ty đã phải cắt giảm số lượng máy bay riêng, bằng cách bán hoặc cho thuê.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều công ty tài chính chưa bỏ được thói quen tốn kém này.
“Hiện chúng tôi rất ít khi dùng máy bay riêng. Tôi không nói là hoàn toàn không sử dụng, mà là hạn chế tối đa,” ông Nicholas J. Ashooh, người phát ngôn của tập đoàn bảo hiểm AIG, nói. Để cắt giảm chi phí, AIG đã bán hai chiếc máy bay và hiện đang rao bán hoặc huỷ đơn đặt hàng 4 chiếc khác.
Mới đây, AIG đã phải nhận khoản vay khẩn cấp trị giá khoảng 150 tỷ USD để thoát khỏi tình trạng phá sản. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong số những doanh nghiệp nhận cứu trợ có nhiều máy bay riêng nhất - 7 chiếc, theo số liệu của Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA).
5 công ty tài chính khác đã nhận tổng cộng 120 tỷ USD tiền cứu trợ khẩn cấp của chính phủ là Citigroup Inc., Wells Fargo & Co., Bank of America Corp., JPMorgan Chase & Co. và Morgan Stanley - tất cả đều sở hữu máy bay riêng để phục vụ nhu cầu đi lại của lãnh đạo.
Một chuyến đi bằng máy bay riêng của công ty, loại trung bình, tiêu tốn khoảng 20.000 USD, đó là chưa kể chi phí bảo dưỡng, bến bãi và lương phi công. Do đó, trong tình hình khủng hoảng tài chính, nhiều công ty của Mỹ đã từ bỏ thói quen xa xỉ này. Ví dụ, nhà sản xuất chip điện tử Intel yêu cầu tất cả lãnh đạo và nhân viên đi công tác bằng máy bay thương mại, chỉ trừ một số trường hợp lãnh đạo cấp cao đi công tác nước ngoài, vì lý do an ninh, Intel mới thuê máy bay riêng.
Merrill Lynch & Co. cũng đã cấm sử dụng máy bay công ty cho các chuyến đi cá nhân của lãnh đạo.
Một ví dụ khác, ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - GM, Ford và Chrysler - đã phạm một sai lầm nghiêm trọng vào tháng trước, khi để các CEO dùng máy bay công ty tới Washington hỏi vay tiền Quốc hội. Sự việc đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận và Quốc hội. Nghị sĩ Gary Ackerman trong Hạ viện Mỹ đã chất vấn các CEO rằng: “Các ông không thể hạ mình bay bằng vé hạng nhất trong một chuyến bay thương mại, hoặc cái gì đó tương tự, để tới đây hay sao?”
Kết quả là khi trở lại Washington hai tuần sau đó để tham gia phiên điều trần thứ hai cho khoản vay khẩn cấp, họ đi bằng ô tô.
Vậy tại sao lãnh đạo một số công ty tài chính ở Phố Wall không thể dừng sử dụng máy bay riêng? Một lý do là họ không phải tới Quốc hội để xin cứu trợ, nên cũng chẳng có ai chất vấn việc họ đi gì tới Washington.
Dưới đây là kết quả khảo sát của AP và số liệu của FAA về tình hình sở hữu và sử dụng máy bay riêng của các công ty ở Phố Wall:
• CITIGROUP: Có chi nhánh Citiflight chuyên điều hành chuyến bay cho các lãnh đạo. Người phát ngôn của Citi, bà Shannon Bell, đã từ chối bình luận về quy mô dàn máy bay riêng của công ty, nhưng cho biết số lượng đã giảm 2/3 trong 8 năm qua. Theo số liệu của FAA, hiện có 4 máy bay phản lực và một trực thăng đăng ký tên công ty.
Năm 2007, CEO khi đó là ông Charles Prince, vì lý do an ninh, đã sử dụng máy bay công ty vào các chuyến đi cá nhân. Việc này tiêu tốn của công ty 170.972 USD trong năm đó. CEO hiện tại, ông Vikram Pandit, đã bắt đầu bồi hoàn cho công ty chi phí của các chuyến bay cá nhân mà ông sử dụng máy bay công ty kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2007.
• MORGAN STANLEY: Đã giảm số lượng máy bay công ty từ 3 chiếc xuống còn 2 vào năm 2005, đó là hai chiếc Gulfstream G-V.
Năm 2007, tổng chi phí sử dụng máy bay công ty của CEO John Mack là 355.882 USD. Ông được yêu cầu sử dụng máy bay riêng cho cả các chuyến đi cá nhân vì lý do an ninh.
• JPMORGAN: Đăng ký sở hữu 4 chiếc phản lực Gulfstream, trong đó có một chiếc thuộc model G550 siêu dài đời 2007, theo số liệu của FAA. Giá một chiếc G550 đặt giao hàng vào năm đó có giá khoảng gần 47,5 triệu USD.
CEO Jamie Dimon được công ty yêu cầu sử dụng máy bay riêng cho cả các chuyến đi cá nhân, với tổng chi phí lên tới 211.182 USD, theo số liệu báo cáo hồi tháng 5 của công ty với Uỷ ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ (SEC).
Người phát ngôn Joe Evangelisti của công ty đã từ chối bình luận về việc họ có thay đổi chính sách sử dụng máy bay công ty không, sau khi nhận 25 tỷ USD tiền cứu trợ của chính phủ.
• BANK OF AMERICA: Đăng ký sở hữu 9 máy bay, theo FAA. Người phát ngôn Scott Silvestri của công ty cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu họ có thay đổi chính sách sử dụng máy bay công ty không, sau khi nhận 15 tỷ USD tiền cứu trợ của chính phủ.
Chi phí sử dụng máy bay công ty cho các chuyến đi cá nhân của CEO Kenneth Lewis là 127.643 trong năm 2007, theo báo cáo công ty gửi SEC hồi tháng 3.
• WELLS FARGO: Chỉ sở hữu một chiếc máy bay để sử dụng cho các chuyến công tác của lãnh đạo, nhưng cũng hạn chế ở một số trường hợp thật cần thiết, theo lời người phát ngôn Julia Tunis Bernard của công ty. “Không có khoản tiền hỗ trợ nào của chính phủ bị dùng chi cho việc sử dụng máy bay công ty,” bà khẳng định.
Theo quy định của SEC, các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải công khai việc sử dụng máy bay công ty vào mục đích cá nhân của các lãnh đạo. Tuy nhiên, giáo sư tài chính David Yermack của Trường kinh doanh Stern, thuộc Đại học New York, người nghiên cứu khá kỹ vấn đề này, cho biết có nhiều cách lách luật.
“Nếu bạn sử dụng máy bay cho chuyến đi cá nhân, nhưng lại gọi một cuộc bàn việc công ty thì có cần khai báo?” ông nói. “Hoặc nếu bạn đi chơi golf với các đối tác tiềm năng của doanh nghiệp, công ty sẽ báo cáo đó là chuyến bay vì công việc hay mục đích cá nhân?”
Trong khi đó, các nhà sản xuất máy bay tư cho rằng cuộc tranh luận về việc đi lại của lãnh đạo đang bị thổi phồng. “Người ta không hiểu rằng máy bay doanh nghiệp là văn phòng di động. Nếu thời gian có chút giá trị nào với bạn, thì bạn sẽ hiểu tạo sao người ta phải sử dụng máy bay riêng,” ông Robert N. Baugniet, Giám đốc truyền thông của Gulfstream, nói.
Ông cũng cho biết những ì xèo quanh sự việc này cũng không làm giảm lượng đơn đặt mua máy bay mới.
Một số công ty lâu nay tránh sở hữu máy bay riêng. Tập đoàn Goldman Sachs, nơi lãnh đạo có mức lương thuộc loại cao nhất trong ngành tài chính, chưa từng sở hữu máy bay riêng kể từ khi lên sàn vào năm 1999, theo lời người phát ngôn Michael DuVally. Tuy nhiên, không vì thế mà lãnh đạo công ty không sử dụng máy bay riêng. Theo tài liệu công ty nộp SEC, họ thuê máy bay khi cần thiết. Ông Duvally từ chối nêu cụ thể chi phí cho việc này.
Sợ bị dị nghị, hầu hết các công ty đều sử dụng máy bay không có tên doanh nghiệp hay bất cứ thứ gì tương tự trên thân. Những ai muốn biết vẫn có thể lần ra các máy bay này qua Internet bằng số hiệu trên đuôi máy bay. Tuy nhiên, một số công ty, như AIG và Citigroup, đã thực hiện một số biện pháp ngăn cản việc làm này, vì lý do an ninh cho lãnh đạo của họ.
Đặng Lê
Theo AP