Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Người dân đòi nâng giá bồi thường

(Dân trí) - Người dân trong diện giải toả của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bức xúc vì có nhiều giá bồi thường khác nhau từ 15-21 triệu đồng/m2. Mức giá bồi thường 10 năm qua không thay đổi nên người dân đề nghị nâng giá bồi thường ngang bằng các dự án khác.

Thời gian qua, nhiều người dân trong diện giải toả đền bù của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TPHCM) đã nhiều lần phản ánh không đồng thuận với mức giá bồi thường, hỗ trợ.

Người dân cho rằng, việc áp dụng mức giá của 10 năm trước là không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, có sự chênh lệch khá lớn về mức giá bồi thường trong từng trường hợp khác nhau. Những người trong diện giải toả yêu cầu nâng giá bồi thường "không hơn thì cũng bằng" với các dự án khác trong khu vực.

Người dân đòi nâng giá bồi thường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm
Người dân đòi nâng giá bồi thường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm

UBND TPHCM cho biết, việc khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm Quận 2 là một trong các vụ việc trọng điểm được Thành uỷ, UBND TP quan tâm, liên tục chỉ đạo các sở, ngành và UBND Quận 2 xem xét, giải quyết.

Do dự án kéo dài nhiều năm nên việc áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ có khác nhau qua từng giai đoạn. Từ năm 2007 đến nay, khi triển khai thu hồi và tiến hành bồi thường, hỗ trợ, UBND Quận 2 căn cứ vào Quyết định 135/2002/QĐ-UBND ngày 21/11/2002... để chiết tính bồi thường cho từng hộ dân.

Trong văn bản trả lời khiếu nại của người dân, UBND TPHCM cho biết, Khu đô thị Thủ Thiêm là dự án đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Nghị định số 22/1998. Đến nay, việc giải quyết bồi thường và thu hồi đất đạt 99% theo tiến độ.

Căn cứ theo điều 50 của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 thì "Những dự án, hạng mục đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, hoặc đang chi trả bồi thường, hỗ trợ... theo phương án đã được phê duyệt trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định của Nghị định này".

Căn cứ theo quy định trên, UBND TPHCM cho rằng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn tiếp tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại theo Quyết định 135/QĐ-UB và các quyết định sửa đổi, bổ sung, không áp dụng Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP để bồi thường cho các hộ dân tại dự án này.

Không chỉ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thời gian vừa qua, hàng loạt dự án "đỉnh" của TPHCM cũng bị người dân bức xúc, tố cáo vì chậm tiến độ, không tiến hành cấp chứng nhận chủ quyền...

Theo đó, một dự án tại quận 2 của Công ty Cổ phần Bến Thành đã được UBND TPHCM quyết định giao đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập bản đồ hiện trạng vị trí phân lô, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thế nhưng, Công ty Bến Thành chưa thực hiện và "treo quyền lợi" của 100 hộ dân góp vốn từ năm 2009 đến nay chưa nhận được đất của dự án.

Không chỉ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thời gian vừa qua, hàng loạt dự án đỉnh của TPHCM cũng bị người dân bức xúc, tố cáo vì chậm tiến độ, không tiến hành cấp chứng nhận chủ quyền
Không chỉ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thời gian vừa qua, hàng loạt dự án "đỉnh" của TPHCM cũng bị người dân bức xúc, tố cáo vì chậm tiến độ, không tiến hành cấp chứng nhận chủ quyền

Tương tự, tại Bình Thạnh, hơn 200 hộ dân góp vốn mua một dự án của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn dù đã 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Khu Thanh Đa, Bình Quới (Quận Bình Thạnh) có nhiều dự án nhưng vẫn chưa làm được. Người dân nơi đây kiến nghị xây dựng bán đảo Thanh Đa thành hồ chưa nước và một khu vui chơi của thành phố.

Theo văn bản của UBND TPHCM, đối với dự án này, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Chính phủ đồng ý chủ trương chỉ định thầu cho Liên doanh Bitexco - Emaar thực hiện như đề nghị của UBND TPHCM.

Sau khi có đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, năm 2015, UBND TPHCM đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án theo đúng các quy định hiện hành, chấp thuận quy trình chỉ định thầu nhà đầu tư.

Công Quang