TPHCM:
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Lại “ngủ” sau hơn 2 thập kỷ nằm trên giấy!?
(Dân trí) - Sau hơn 2 thập kỷ “ngủ say” trên giấy, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được “đánh thức” nhờ sự bắt tay của doanh nghiệp nước ngoài với một tập đoàn trong nước vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa thể khởi động vì doanh nghiệp nước ngoài xin rút lui.
Theo bà Võ Thị Phương Uyên - Phó Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016.
Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư - công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.
Bà Uyên cho biết, theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho biết, TP đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Được biết, năm 1992 dự án Thanh Đa - Bình Quới được UBND TPHCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TPHCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Theo quyết định được UBND TPHCM phê duyệt, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Theo đó, đặc trưng kênh rạch, sông nước được giữ nguyên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Rạch Ông Ngữ được mở rộng để tạo thành hệ thống đường thủy len lỏi giữa các khu nhà để phát triển bến du thuyền và hệ thống taxi thủy.
Đây sẽ là trung tâm thương mại, trung tâm công nghệ mới. Khu cao tầng tập trung gần lõi bán đảo sẽ là trung tâm thương mại kết hợp căn hộ cao cấp.
Về quy hoạch giao thông, ngoài cầu Kinh hiện hữu, bán đảo Thanh Đa sẽ kết nối với khu vực xung quanh bằng 5 cây cầu khác. Theo đó, cầu Bình Quới – Thảo Điền và cầu Bình Quới – Rạch Chiếc sẽ nối Thanh Đa với quận 2. Ba cây cầu Bình Quới – Thủ Đức (1, 2, 3) sẽ nối Thanh Đa với quận Thủ Đức.
Quốc Anh