“Không vì chuyển giá, công nghệ lạc hậu… mà không khuyến khích thu hút FDI”

(Dân trí) - Thừa nhận thực tế trong số 23.000 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn còn dự án có tình trạng chuyển giá, thâm dụng lao động, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường… song theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, không vì những hạn chế này mà chúng ta không tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

Đưa ra vấn đề tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) “xoáy” vào lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Ngân cho biết, trong gần 30 năm qua kể từ khi có Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án đầu tư với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD.

Theo đánh giá của vị đại biểu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế mà cụ thể là đóng góp 18% cho GDP, 23% cho tổng vốn đầu tư xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% là kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại: ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

“Chính phủ sẽ có những giải pháp đồng bộ như thế nào để khắc phục được những tồn tại nêu trên nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường”, ông Ngân băn khoăn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, sử dụng ít lao động.

Đáp lại chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vai trò, vị trí và đóng góp của đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế là rất rõ, cả về vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, đóng góp ngân sách và lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước.

“Bộ mặt của nền kinh tế, các đô thị, các cơ sở hạ tầng, kể cả trong xuất khẩu hiện nay là có sự đóng góp rất lớn của FDI”, Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, vẫn còn những mục tiêu đặt ra nhưng chưa đạt được: Đó là một số dự án công nghệ không phải là công nghệ cao, còn có sự chuyển giá. Một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, thâm dụng lao động, năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào. Một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường.

“Tuy nhiên, không phải vì những hạn chế này mà chúng ta không tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài”, lãnh đạo ngành KHĐT lưu ý.

Ông Dũng khẳng định trong tổng đầu tư của toàn xã hội trong các giai đoạn sắp tới, trong khi đầu tư của Nhà nước đang còn khó khăn, hạn hẹp như vậy thì phải dựa vào đầu tư nước ngoài, đầu tư của tư nhân, đầu tư của xã hội.

“Chúng tôi muốn nói chính sách định hướng vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng và ít sử dụng lao động nhất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch trả lời câu hỏi chất vấn về huy động, sử dụng vốn

Bởi theo ông, những yếu tố nói trên mặc dù lợi thế của Việt Nam nhưng không vì thế mà lãng phí, cần hướng đến môi trường, không tập trung vào những lĩnh vực gia công cũng như có những chính sách để chống chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài và khuyến khích chuyển giao công nghệ.

Nhận xét về câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vấn đề mà ông đưa ra có rất nhiều nội dung và vấn đề là Chính phủ phải đưa ra được những giải pháp quyết liệt, căn cơ. Do vậy, ông Ngân đề nghị Bộ trưởng Dũng tiếp tục có phần trả lời bằng văn bản gửi đại biểu Quốc hội để làm rõ hơn và cụ thể hơn về vấn đề này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về giải pháp để thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Theo Bộ trưởng, vốn vào lĩnh vực này rất khó do tình trạng hạn điền, đất đai manh mún, không có những cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Ngân nhận xét, câu trả lời của Bộ trưởng chưa trúng, vì hạn điền không phải là hạn chế lớn nhất mà vấn đề của vốn đầu tư “ngại” đổ vào nông nghiệp Việt Nam hiện nay là do vấn đề liên kết giữa các nhà chưa tốt. Ông đề nghị Bộ trưởng KHĐT cần xem xét lại nội dung này.

Bích Diệp