Không trả đất đúng thời hạn sẽ bị phạt nặng
(Dân trí) - Trốn tránh, chây ì không trả lại đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lấn chiếm đất, hủy hoại đất… đều bị xử lý hành chính bằng phạt tiền nặng, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 182 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai dự kiến sẽ trình Chính phủ cuối tháng này.
Theo dự thảo, cá nhân, tổ chức sử dụng đất để xây dựng công trình, đầu tư BĐS thuộc khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế trái với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được công bố thì có thể bị phạt tới 300 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Cá nhân, tổ chức lấn chiếm đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp, thì bị phạt mức cao nhất là 30 - 100 triệu đồng. Lấn chiếm đất thuộc khu vực đô thị, đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, đất danh lam thắng cảnh, đất được UBND tỉnh, TP quyết định bảo vệ, thì mức phạt có thể lên tới 100 - 400 triệu đồng.
Cùng với việc bị phạt tiền, người vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Trường hợp gây ô nhiễm đất làm đất mất khả năng sử dụng theo mục đích đã được xác định thì có thể phạt tiền ở mức cao nhất từ 100 - 300 triệu đồng và buộc có biện pháp khắc phục hoạt động gây ô nhiễm, buộc khôi phục lại địa hình của đất trước khi vi phạm.
Những trường hợp trốn tránh, chây ì không trả đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị xem xét trong mức phạt từ 500.000 - 5 triệu đồng.
Hành vi không đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký không đúng loại đất, không đăng ký chuyển quyền sử dụng đất cũng bị phạt 500.000 - 2 triệu đồng.
Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phi nông nghiệp tại đô thị mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính, thì bị phạt 2 - 10 triệu đồng. Mức phạt từ 1 - 5 triệu đồng được áp dụng ở nông thôn.
Đáng chú ý, tại khu vực đô thị, cá nhân, tổ chức cản trở cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thì bị phạt 0,1% số tiền phải bồi thường cho mỗi ngày do gây cản trở làm chậm việc bồi thường. Mức phạt 0,05% được áp dụng ở nông thôn.
Nhằm ngăn chặn sự gian dối trong mua bán đất đai, dự thảo Nghị định nói rõ nếu việc cung cấp thông tin về đất đai (bao gồm: diện tích đất, nguồn gốc đất, giá đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất…) không đúng thì bị phạt 500.000 - 2 triệu đồng. Nếu thông tin đó gây thiệt hại cho người khác hoặc cho nhà nước, thì bị phạt 20 - 50 triệu đồng.
Cùng với đó, người cung cấp thông tin sai còn phải bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin sai.
Một trong những thực trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay là giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí xã hội. Bởi vậy, trong dự thảo này cũng đã bổ sung quy định về vấn đề này.
Theo đó, đối với người được nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư quá 12 tháng liền không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thì bị phạt 2-10 triệu đồng.
Mặt khác, để tránh việc hành chính hoá trong xử lý sai phạm về đất đai, dự thảo nêu rõ: Khi xem xét vi phạm để quyết định xử phạt hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tố tụng có thẩm quyền, mà không được giữ lại để xử phạt hành chính.
Lan Hương