Không những mua lại nợ xấu từ VAMC mà còn “xử lý tốt”!
Đây là ngân hàng cổ phần đầu tiên trên thị trường thực hiện mua lại nợ xấu từ VAMC để tự xử lý, và những khoản nợ được mua lại này không những có kết quả xử lý tốt mà tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này còn ở mức thấp 2,19%, chi phí dự phòng rủi ro giảm 8% so cùng kỳ.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh của quý I/2017, theo đó lợi nhuận sau thuế 126 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tăng trưởng ở hầu hết các khoản mục: Thu nhập lãi thuần tăng 16%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 31% và thu từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 21%. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm do điều kiện thị trường không thuận lợi. Chất lượng của danh mục cho vay được kiểm soát tốt, được đảm bảo bằng tài sản có giá trị.
Các khoản mua nợ VAMC cuối năm 2016 đang có kết quả xử lý tốt khiến tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,58% cuối năm 2016 xuống 2,19% tại thời điểm 31/3/2017. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 3 tháng đầu năm 2017, bảng tổng kết tài sản của VIB đạt gần 106.000 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng, chủ yếu đến từ danh mục tín dụng đang có đà phát triển tốt. Dư nợ đạt 73.400 tỷ đồng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp), trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 3.400 tỷ đồng, tương ứng 5,7%.
Trong thời gian gần đây, sản phẩm và quy trình là một trong những trọng tâm mà ngân hàng này rất chú trọng để nâng cấp, với việc không ngừng chỉnh sửa danh mục sản phẩm hiện hữu, phát triển sản phẩm mới, đơn giản hóa quy trình nhằm nỗ lực cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính cạnh tranh, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Tại lĩnh vực ngân hàng điện tử, ngân hàng này tiếp tục được vinh danh với các giải thưởng “ngân hàng điện tử tốt nhất Việt Nam 2016” (Best e-bank 2016) và “ứng dụng ngân hàng di động có trải nghiệm khách hàng tốt nhất Việt Nam 2016” từ tạp chí The Asset trao cho Ứng dụng ngân hàng di động MyVIB. Đây cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được The Asset trao giải thưởng danh giá này.
Báp cáo tài chính cũng cho thấy, nguồn vốn huy động của VIB được bổ sung đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017. Trong quý I/2017, VIB đã tăng hơn 4.000 tỷ đồng huy động tiền gửi bao gồm chứng chỉ tiền gửi.
Lãnh đạo VIB cho biết, với sức mạnh tài chính thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường, tỷ lệ an toàn vốn cao nên kể từ cuối năm 2016, khi ngân hàng bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi ra thị trường thì sản phẩm này đã trở thành kênh đầu tư ưa thích đối với các khách hàng tổ chức và cá nhân có nguồn tài chính lớn.
Ngoài ra, VIB đã có kế hoạch tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ có thể lên đến 45%, và kế hoạch phát hành vốn cấp 2. Vốn điều lệ sau khi tăng lên gần 8.000 tỷ đồng sẽ đem lại cho ngân hàng này một vị thế mới về quy mô vốn điều lệ, cũng như sẵn sàng đáp ứng các chỉ số an toàn về vốn và thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.
Theo kế hoạch, VIB sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2017 vào tuần sau (ngày 27/4/ 2017) tại Hà Nội.
Mai Chi