1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

"Không nên đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ lúc này"

(Dân trí) - Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nói như vậy khi trao đổi với Dân trí về tỷ giá năm 2009. Theo ông Kiêm tỷ giá phải hết sức uyển chuyển theo cung cầu thị trường.

"Không nên đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ lúc này" - 1
Dự báo năm 2009 tỷ giá sẽ rất biến động.
 
Dưới góc độ nhà chuyên môn, ông nhận định thế nào về diễn biến tỷ giá năm 2008?
 
Tỷ giá năm 2008 cơ bản phản ánh được tình hình kinh tế nước ta, đặc biệt xuất nhập khẩu, nhập siêu, khả năng vay nợ của chúng ta và cả FDI. Diễn biến thì không có đột biến, vẫn giữ được biên độ do Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Đây cũng chính là đóng góp cho nền kinh tế.
 
Sở dĩ ta có được một nền kinh tế tăng nhanh trong năm 2008, nhập siêu giảm đi, thiệt hại của doanh nghiệp có dư nợ USD nhiều cũng đỡ là vì tỷ giá không cao quá, cũng ko thấp quá, xoay quanh biên độ +/-2,5% sau đó mới 3%. Đấy là một đóng góp rất tích cực trong điều hành nền kinh tế.
 
Nhưng doanh nghiệp đã phải chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động tỷ giá này?
 
Đó là tất yếu. Khi nền kinh tế thế giới biến động thì nó tác động vào chúng ta ngay, đặc biệt là XNK và đầu tư. Khi có biến động, nó có mặt lợi và cũng có mặt hại. Doanh nghiệp ở trong tình hình đó phải chấp nhận để khai thác cái mặt lợi và hạn chế mặt không lợi.
 
Còn khó khăn của một vài doanh nghiệp, một vài thời kỳ là do yếu tố điều hành, do tâm lý và sau đó ta cũng khắc phục được và mức độ ảnh hưởng không lớn.
 
Theo tôi, trong nền kinh tế thị trường, những diễn biến ấy là chấp nhận được và doanh nghiệp nên thích nghi dần, chứ không nên đòi hỏi hoặc thay đổi rất đột ngột theo chiều hướng tâm lý của một vài mặt hàng thì sẽ rất rối loạn.
 
Theo ông, liệu diễn biến về tỷ giá năm nay sẽ như thế nào?
 
"Không nên đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ lúc này" - 2

Ông Cao Sỹ Kiêm.

Chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Hiện nay, trung chuyển ngoại tệ đang có những diễn biến không thuận, đầu tư giảm, xuất khẩu giảm, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp giảm, lượng tiền kiều hối cũng giảm. Trong khi đó khoản USD để nhập siêu, chi dùng, đầu tư cho nền kinh tế phát triển vẫn phải cần.
 
Rồi cả những yếu tố như là chúng ta đang có một khối nợ gần 20 tỷ USD, nếu như chúng ta giảm nhanh đồng tiền Việt Nam thì cái trả nợ tăng lên.
 
Thứ hai, xuất khẩu đang giảm mà chúng ta lại giữ USD cao quá thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Về nhập khẩu, mấy tháng đầu năm mặc dù giảm, nhưng nếu nhìn chung để đảm bảo sản xuất trong nước và phát triển thì nó vẫn sẽ phải ở mức tăng và ở tầm cao.
 
Như vậy, ba yếu tố đó vẫn là áp lực để chúng ta khi điều hành tỷ giá không được cao quá nhưng không được thấp quá để đảm bảo cho doanh nghiệp có nợ USD nhiều, người dân làm hàng xuất khẩu, để chặn khả năng nhập siêu nhiều, nhưng lại phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng suy giảm của nền kinh tế tài chính, giá nguyên liệu, vật tư giảm để chuyển dịch cơ cấu thì phải ưu tiên cho người ta có USD nhập…
 
Điều hành tỷ giá năm 2009 phải hết sức uyển chuyển theo cung cầu thị trường bằng cách nới lỏng biên độ để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của các ngân hàng thương mại thích ứng tốt hơn.
 
Mới đây có ý kiến một chuyên gia kinh tế cho rằng, VND sẽ mất giá trong năm nay. Ông có nghĩ vậy không?
 
Tôi không có quan niệm mất giá hay phá giá, nhưng như phân tích trên thì điều chỉnh cho VND giảm xuống trong từng thời kỳ, từng giai đoạn theo cung cầu là điều tất yếu để chống suy giảm kinh tế, giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế trụ vững, tạo điều kiện hơn cho kinh tế phát triển khi nền kinh tế thế giới khôi phục.
 
Theo ông, các doanh nghiệp XNK cần có biện pháp gì để hạn chế rủi ro từ biến động tỷ giá?
 
Không nên đầu cơ, dự trữ, kinh doanh qua đồng ngoại tệ vì bây giờ nó diễn biến rất phức tạp. Các doanh nghiệp nên giao dịch qua đường nhà nước, không nghe tin đồn và không có tâm lý lợi dụng đầu cơ qua tỷ giá này vì nó sẽ rủi ro và có yếu tố thất thường.
 
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nên chú ý hơn điểm gì?
Đây là những doanh nghiệp đang rất khó khăn và còn khó khăn trong một thời gian nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chú ý các giải pháp của chính phủ để triển khai một cách triệt để, đặc biệt phải coi đây như là một thời điểm lịch sử để cơ cấu lại, khắc phục những bất cập, phát huy thế mạnh, giảm chi phí, tìm thị trường mới.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm