"Không nên cấm hoàn toàn" việc kinh doanh vàng miếng

(Dân trí)- Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: Để tránh cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tâm lý người dân, trước mắt không nên cấm hoàn toàn việc kinh doanh vàng miếng mà nên quy định điều kiện kinh doanh, góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể.

"Không nên cấm hoàn toàn" việc kinh doanh vàng miếng - 1

Người dân Việt Nam có thói quen tích trữ vàng (ảnh: Lê Thanh).
 
Người dân không từ bỏ nhu cầu tích trữ vàng

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa có văn bản số 16/2011/CV-HHV trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động kinh doanh vàng. Theo công văn này, trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao và kéo dài, chắc chắn người dân không thể từ bỏ nhu cầu tích trữ vàng. Nếu cấm kinh doanh vàng miếng thì người dân sẽ chuyển sang mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng như con vật, tượng… như đã, đang xảy ra gần đây trên thị trường và thực tế cũng không làm giảm lượng vàng nguyên liệu để chế tác ra các sản phẩm vàng so với chế tác vàng miếng.

“Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, gây tốn kém nhiều chi phí cho xã hội, khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, gây thiệt thòi cho người dân. Nếu chỉ cho phép người dân bán nhưng không được mua vàng miếng thì kỳ vọng người dân bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước sẽ không cao. Đồng thời, nếu xử lý chính sách không đồng bộ thì đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực lạm phát. Các thương hiệu vàng miếng của Việt Nam đã, đang được giao dịch tại phần lớn các thị trường trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào… Nếu cấm kinh doanh vàng miếng, thì sẽ làm giảm uy tín thương hiệu quốc gia về vàng miếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà các thương hiệu này là kết quả phấn đấu của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong hàng chục năm qua”, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo hiệp hội, trên thế giới, việc giao dịch mua bán vàng miếng diễn ra bình thường, không có quy định nào hạn chế hay cấm loại hình giao dịch này. Điển hình là việc Trung Quốc khuyến khích người dân có khả năng, điều kiện nên mua vàng miếng tích trữ. Số lượng vàng miếng tiêu thụ của Trung Quốc đã tăng 70% trong năm 2010, đạt mức cao kỷ lục 179,9 tấn.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các chủ thể kinh doanh vàng miếng đã tăng lên một cách nhanh chóng, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể. Để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, hiệp hội kiến nghị trước mắt Chính phủ không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng mà nên quy định điều kiện kinh doanh, góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể.
 
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng cần đáp ứng một số điều kiện như: Giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; Vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng; Doanh thu trong 2 năm gần nhất là 500 tỷ đồng trở lên… Khi nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, sức mua của tiền đồng tăng, sở giao dịch vàng quốc gia được hình thành, chắc chắn giao dịch vàng miếng trên thị trường sẽ dần được thu hẹp theo định hướng của Chính phủ và xu hướng hội nhập quốc tế. Hiệp hội cho rằng giải pháp kinh tế này chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu của Chính phủ về quản lý vàng miếng.

Cần sớm thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia

Trong bối cảnh hiện nay, theo hiệp hội là việc sớm thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia. Quyết định đóng cửa các sàn giao dịch vàng là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, vì không xây dựng được hành lang pháp lý đối với hoạt đồng này, dù nhu cầu thị trường rất lớn và cũng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Cũng vì đóng cửa hoạt động của các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, mà thị trường Việt Nam đã chuyển hoàn toàn sang thị trường vàng vật chất (chủ yếu giao dịch mua bán vàng miếng như hiện nay), gây tốn kém về ngoại tệ nhập khẩu vàng và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Loại hình giao dịch vàng vật chất đi ngược xu hướng hội nhập quốc tế, vì trên thế giới có tới trên 80% là giao dịch vàng trên tài khoản.

Sở giao dịch vàng Quốc gia ra đời sẽ góp phần tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu nhu cầu tích trữ vàng miếng của nhân dân, giảm các hình thức giao dịch bất hợp pháp, làm cho giá vàng trong nước biến động theo sát giá vàng quốc tế. Nó còn giúp giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thu hút đáng kể lượng vàng nhàn rỗi đang nằm trong dân để phục vụ cho phát triển tế, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, giám sát được lượng vàng và nguồn vốn giao dịch trên thị trường để can thiệp khi cần thiết. Đặc biệt, Sở giao dịch vàng sẽ góp phần hình thành mức giá thống nhất trên thị trường, tránh được tình trạng đầu cơ làm giá, gây bất lợi cho người dân.

Sở giao dịch vàng sẽ được quản lý tập trung, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng. Những tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch sẽ thực hiện lệnh đặt mua, bán vàng thông qua các thành viên của Sở giao dịch là các ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng có uy tín, Sở giao dịch vàng Quốc gia, theo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cần phát triển đồng bộ và đa dạng các loại hình giao dịch như giao ngay, kỳ hạn, chọn quyền… để thu hút đông đảo các đối tượng tham gia.

An Hạ