Không kiểm soát nội bộ, DN kêu trời vì có lãi mà không thấy tiền đâu

(Dân trí) - Tại hội thảo hoàn thiện dự thảo “Cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh” diễn ra sáng nay (27/8) tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về việc không quản lý được dòng tiền, dẫn đến việc kinh doanh có lãi mà không thấy tiền. Mà nguyên do chính là chưa có cơ chế kiểm soát nội bộ.

Không kiểm soát nội bộ, DN kêu trời vì có lãi mà không thấy tiền đâu

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (DN) của mình, bà Đỗ Thị Hướng Dương đại diện một DN chuyên về tư vấn cho biết: “Công ty chúng tôi làm chủ yếu về tư vấn, nên có một vài khó khăn trong quản trị doanh nghiệp thường thấy. Ví dụ như, tôi đã gặp những DN không dám đuổi việc kế toán trưởng của họ, lý do là bởi tất cả con số, tiền của họ phụ thuộc vào 1 cá nhân. Và họ không có 1 hệ thống quản trị tài chính kế toán cho riêng mình.”

“Hoặc trường hợp, họ thường xuyên nói: Tôi kinh doanh có lãi, nhưng khi cần tiền thì không thấy tiền ở đâu cả. Và nguyên nhân chính là do, họ không có quy chế về chi tiêu, đầu tư rõ ràng cho DN của mình. Hay thậm chí, trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chủ DN gặp khó khăn trong việc đọc báo cáo mà kế toán trưởng trình bày với mình”, bà Dương nói.

Ngoài ra theo bà Dương, có một thực trạng tại các DN hiện nay là, các nguyên tắc duyệt chi kiểm soát lỏng lẻo dẫn đến việc, nhân viên kế toán thường xuyên bất hòa khi duyệt chi với phòng ban khác. Các biểu hiện này chứng tỏ DN chưa có nguyên tắc rõ ràng, chưa có hệ thống kiểm soát nội bộ trong chính DN của mình.

Không kiểm soát nội bộ, DN kêu trời vì có lãi mà không thấy tiền đâu - 1

Nhiều chủ DN kĩ năng quản trị còn hạn chế

“Các DN khi được hỏi thì đều muốn cải thiện tình trạng này, nhưng đa phần kĩ năng quản trị của chủ DN chưa cao. Họ chưa ý thức được việc cần phải minh bạch trong quản trị DN và tiền của họ. Hoặc, họ muốn thay đổi nhưng nhân sự trong công ty không đáp ứng được yêu cầu đó. Vì thế, họ thường xuyên không cảm giác được tiền của họ đang nằm ở đâu, không đo lường được hiệu quả kinh doanh của mình một cách khoa học, luôn có cảm giác như bị mất tiền và luôn có chi phí không chính thức phải bỏ ra”, bà Dương chia sẻ thêm.

Nhận xét về bộ cẩm nang, bà Dương cho rằng, đối với đơn vị làm tư vấn như chúng tôi, bộ tài liệu có nhiều khái niệm hữu ích và chuẩn mực. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều chủ DNNVV còn không phân biệt được tầm nhìn sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Nếu như cuốn cẩm nang này nói rõ hơn cách làm, cách thực hiện, khái niệm cơ bản thì sẽ dễ tiếp cận hơn. Và các DN thích cách cẩm nang đưa ra từng bước giống mỳ ăn liền.

“Ngoài ra, người thực hiện công việc này thường là các đơn vị tư vấn hoặc một bộ phận trong công ty làm nhiệm vụ. Họ sẽ bị lúng túng trong việc ứng xử với các bộ phận còn lại khi thực hiện công việc. Thực tế cho thấy, bản thân chúng tôi thời gian đầu cũng thất bại nhiều lần, vì phản ứng trái chiều của các bộ phận khác. Họ luôn chống đối, từ nhẹ nhàng cho đến mạnh mẽ. Nếu cuốn cẩm nang này cung cấp cho họ một số bước tiếp cận ban đầu khoa học và thông minh hơn, thì sẽ triển khai tốt hơn”, vị này cho biết thêm.

Là thành viên của nhóm nghiên cứu bộ cẩm nang, Bà Vũ Thị Phương Liên, chuyên gia tư vấn Công ty TNHH Tư vấn và Hội nhập chia sẻ: “Triển khai được bộ quy tắc ứng xử thì sẽ giúp các DN tuân thủ pháp luật tốt hơn, từ đó giảm khả năng hối lộ, tham nhũng ở khu vực tư. 

“Tuy nhiên, hiện đang còn gặp nhiều khó khăn để triển khai bộ cẩm nang này. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực của doanh nghiệp bỏ ra có đủ để thực hiện không, liệu DN có sẵn sàng bỏ chi phí ra để làm việc đó hay không”, bà Liên cho biết thêm.

Đánh giá về hiệu quả thực tiễn của bộ cẩm nang, các diễn giả cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tiêu chí để đánh giá sự thành công của một DN không chỉ dựa vào kết quả kinh doanh, nó còn dựa trên các yếu tố minh bạch, liêm chính. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã ban hành các bộ quy tắc tương tự như.

Thế nhưng, có một thực trạng hiện này là, chủ DN thường quan tâm đến lợi ích, nếu cuốn cẩm nang này chứng minh được cho chủ DN rằng, xây dựng hệ thống thì sẽ được lợi thế nào. Khi đó họ sẽ thấy hấp dẫn và quyết tâm thực hiện. 

Hơn nữa, các cá nhân lao động thường quen với cách làm việc cũ. Vì thế, muốn họ thay đổi  thì phải chứng minh với họ quyền lợi cá nhân không bị thay đổi, thậm chí tốt hơn. Do đó, bộ cẩm nang cần phải đi từ gốc nhu cầu cá nhân của người lao động.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm