1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Không dưới 50% DN vừa và nhỏ được vay hỗ trợ lãi suất”

(Dân trí) - “Hiện nay, 95% doanh nghiệp chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa mà trên 90% của gói kích cầu 17.000 tỉ đã cho vay ra rồi thì không thể có chuyện 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ không được vay”, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước phân tích.

Thưa ông, tại một hội thảo cách đây chưa lâu, một con số khá “sốc” được đưa ra là có tới 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được vay hỗ trợ lãi suất. Là Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, ông nói gì về con số này?
 
Số lượng này hoàn toàn không phải. Gói hỗ trợ lãi suất có các thành phần cho các đối tượng, trong đó chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về tiêu chí, tiêu chuẩn cho vay không khác gì cho vay bình thường và tất cả các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn dứt khoát phải được vay.

Còn nói chung, các doanh nghiệp này đã tiếp cận được ở các mức độ khác nhau, khía cạnh khác nhau… Hiện nay, 95% doanh nghiệp chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa mà trên 90% của gói kích cầu 17.000 tỉ đã cho vay ra rồi thì không thể có chuyện 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ không được vay.

Con số chính thức là bao nhiêu, chúng tôi đang cho khảo sát, nhưng chắc chắn rằng, không thể dưới 50% được. Có thể còn số % nào đó không vay được là vì thiếu điều kiện, chứ không thể có con số 90% được.

Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, phải có tổng kết, rà soát lại đợt cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn xem những đối tượng nào bị bỏ sót để tiếp tục có những hỗ trợ?

Việc tổng kết là tất yếu vì một chủ trương đưa ra, chúng ta phải đánh giá được đến đâu và còn khiếm khuyết chỗ nào. Phải trên cơ sở tổng kết, đánh giá, kiến nghị thì Chính phủ mới có xem xét, đánh giá và có chủ trương tiếp, chứ không phải bây giờ tổng kết xong, anh nào chưa được thì rót thêm.
 
“Không dưới 50% DN vừa và nhỏ được vay hỗ trợ lãi suất” - 1
Ông Cao Sĩ Kiêm: "Không có chuyện 90% DN vừa và nhỏ không được vay".
 
Bởi lẽ, bản thân gói kích cầu ngắn hạn chỉ trong hết năm nay thôi và phải làm rất nhanh như thế chúng ta mới phục vụ sản xuất được. Nếu chúng ta kéo lê thê ra thì không gọi là kích cầu ngắn hạn được.
 
Nhiều người đang lo ngại, tới đây khi chúng ta “cắt” đi phần hỗ trợ lãi suất 4%, mức lãi suất cho vay tăng đột ngột, khiến đầu vào của sản xuất tăng lên, từ đó giá thành sản phẩm đội lên. Giảm dần mức hỗ trợ lãi suất là điều được nhiều người nói tới thời gian qua, thưa ông?
 
Khi nền kinh tế đang sụt xuống, đang giảm sút mình phải đưa các gói kích cầu chống lại nó, ổn định lại trên mặt bằng mới, từ đó phát triển tiếp. Khi đã ổn định lại được rồi gói cầu kết nhiệm vụ và chế độ tín dụng rồi các cái chế độ chính sách khác phải trở lại bình thường.
 
Chống suy giảm là phải làm thật nhanh để thoát ra nhanh, lại trở lại bình thường nhanh. Nếu thực hiện giảm dần mức hỗ trợ lãi suất, nền kinh tế vẫn trì trệ, bùng nhùng.
 
Ngân hàng nhà nước chủ trương hạ bớt tăng trưởng tín dụng của năm 2009 xuống khoảng 25 - 27%, trong khi chúng ta vẫn đang tiếp tục chống suy giảm. Điều này có mẫu thuẫn không?
 
Hiện nay mình chống suy giảm, đưa lượng tiền lớn ra cho kích cầu đầu tư, kích cầu tiên dùng. Nếu sản xuất không phát triển tương ứng, không có hàng tương ứng sẽ châm ngòi cho lạm phát.
 
Không phải không có kích cầu nữa mà phải quản lí lại những chỗ gây rủi ro, chỗ gây lãng phí, mình giảm xuống. Ở đây là quản lí chặt chẽ, không phải rút tín dụng lại nhanh, không phải là ép nền kinh tế bẹp lại nhanh.
 
Cho nên mức tăng trưởng tín dụng 27% mà lại đúng nghĩa của nó là tín dụng có hiệu quả, tín dụng có thu hồi, tín dụng đúng chỗ cần sẽ góp phần chống khả năng gây lạm phát, đồng thời góp phần tăng trưởng bền vững trong chống suy giảm.
 
Trong khủng hoảng kinh tế các doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại rất nhiều và chúng ta đã nói không ít đến việc các ngân hàng phải chia sẻ trong lúc khó khăn. Nhưng vừa qua các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, con số lãi đều rất lớn, thưa ông?
 
Cái lãi này phải tính kĩ cho họ. Lãi hiện nay của ngân hàng là do kết quả của những tháng trước, năm trước mang đến… Lúc ấy cho vay 21%, tỉ lệ lãi lớn, còn bây giờ anh cho vay 11 -12% mà tiền gửi có nơi đã 10% rồi thì sang năm không lãi như thế đâu, coi chừng có ngân hàng còn lỗ.
 
Hiện nay, ta đang có chủ trương là các ngân hàng phải chia sẻ và điều này là đúng bởi những anh lãi nhiều phải tạo ra những yếu tố để giúp cho doanh nghiệp. Ví dụ chúng ta đang làm động tác, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên, tức là lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp ổn định, nhưng lãi suất đầu vào do anh điều chỉnh mà anh điều chỉnh tăng lên thì mới có vốn để cho vay tiếp.
 
Làm như thế rõ ràng lợi nhuận giảm xuống, chi phí tăng lên và đó chính là chia sẻ với doanh nghiệp.
 
Xin cám ơn ông!
 
Cấn Cường (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm