1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vấn đề kinh tế "nóng" trong tuần:

Không được giải cứu, nguy cơ phá sản Gang thép Thái Nguyên là “hiện hữu”

(Dân trí) - “Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời” – lãnh đạo Gang thép Thái Nguyên cho biết. Và đây cũng là một trong những thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.

Kẹt nghìn tỷ với thầu Trung Quốc, Gang thép Thái Nguyên nguy cơ phá sản

Không được giải cứu, nguy cơ phá sản Gang thép Thái Nguyên là “hiện hữu” - 1

Một góc Nhà máy Gang thép Thái Nguyên

Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vừa được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) công bố cho hay, những khó khăn doanh nghiệp này đang gặp phải, ngoài nguyên nhân phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, phần lớn do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.

Dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay, đồng thời đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm làm cho Tisco khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao.

Tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là 3.843 tỷ, dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104 tỷ. Dự án được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỷ đồng.

Năm 2015 dự án này bị đưa vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong kết luận mới công bố.

"Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời", báo cáo của Hội đồng quản trị Tisco nêu.

Thủ tướng: Quy trình đầu tư dự án BT phải rõ ràng, giám sát phải tốt hơn

Không được giải cứu, nguy cơ phá sản Gang thép Thái Nguyên là “hiện hữu” - 2

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 11/4, Thường trực Chính phủ đã họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) . Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Nghị định mới với quy trình đầu tư BT rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn.

Tại cuộc họp này, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá.

Việc thực hiện thanh toán ngang giá được UBND cấp tỉnh, thành phố xác định theo 5 phương pháp theo Nghị định 44 năm 2014 về giá đất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công, như vậy, hình thức BT không còn tồn tại.

Tổng Kiểm toán yêu cầu cán bộ không uống rượu bia, karaoke với đơn vị đang kiểm toán

Không được giải cứu, nguy cơ phá sản Gang thép Thái Nguyên là “hiện hữu” - 3

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu cán bộ nâng cao phẩm chất đạo đức.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Công điện số 407/CĐ-KTNN về việc “Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ”.

Theo đánh giá của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua vẫn có một số đơn vị, cán bộ, công chức, Kiểm toán viên chấp hành chưa nghiêm quy chế, quy định, quy trình và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao hơn nữa việc giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan của Kiểm toán viên nhà nước.

Đặc biệt không được đánh bạc dưới mọi hình thức; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; không lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi; không được uống rượu, bia và hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán; nghiêm cấm việc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quản kiểm toán.

Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về sai phạm tại VEAM sang Bộ Công an

Không được giải cứu, nguy cơ phá sản Gang thép Thái Nguyên là “hiện hữu” - 4

Vấn đề nhân sự cấp cao tại VEAM đang rơi vào tình trạng rối ren.

Bộ Công Thương đang tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM kể từ năm 2010 đến nay.

Trong quá trình thực hiện thanh tra, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra tại VEAM sang Bộ Công an. Bộ Công an đang thụ lý vụ việc và xử lý theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

"Khi các cơ quan chức năng ban hành kết luận về các nội dung liên quan, Bộ Công Thương sẽ thông báo rộng rãi để các cơ quan thông tấn, báo chí và dư luận được biết", Bộ Công Thương cho biết.

Trước đó, ngày 29/3, HĐQT của VEAM đã ra quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà với 4/6 thành viên HĐQT biểu quyết đồng ý và 2/6 thành viên không đồng ý bãi nhiệm.

Hơn 45% đăng ký nhưng không hoạt động: "Doanh nghiệp ma"?

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hơn 45% số doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoạt động

Theo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi Thủ tướng, tính đến năm 2018 Việt Nam có 1,3 triệu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập.

Tuy nhiên, chỉ có hơn 715.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm tỷ lệ 55%, số còn lại 45% doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động .

Sự chênh lệch khá lớn giữa nhóm doanh nghiệp thành lập, đăng ký thành lập với doanh nghiệp chính thức, khiến lo ngại khu vực doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động, khai lập doanh nghiệp nhưng thực chất là các doanh nghiệp trục lợi chính sách, "doanh nghiệp ma", chạy hóa đơn, hoàn thuế.

Một điều đáng lo lắng là tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, chết lâm sàng đang ngày một gia tăng. Theo Bộ KH&ĐT, năm 2018 cả nước có hơn 61.700 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, trong đó chính thức dừng hoạt động là hơn 16.300 doanh nghiệp, tăng trên 34% so với cùng kỳ năm 2017.

Mai Chi (tổng hợp)