Không điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD

(Dân trí) - Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy cho biết: Thường trực Chính phủ tối qua đã có cuộc họp xoay quanh vấn đề điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất. Theo đó, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá VND/USD thời điểm hiện nay.

Không điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD - 1
Nhiều khả năng giá USD sẽ giảm.
 
Thị trường mất cân đối cung - cầu cục bộ
 
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: Tại cuộc họp Thường trực chính phủ tối qua, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban (UB) giám sát tài chính Quốc gia trao đối với báo chí về những vấn đề kinh tế vĩ mô trong tình hình hiện nay. Trong đó, điểm nhấn chính là chính sách điều hành về tỷ giá và lãi suất.
 
Theo ông Lê Đức Thúy, tình hình tỷ giá hiện nay là vấn đề nóng hổi. Tỷ giá VND/USD thị trường tự do cách xa trần 19.500 so với NHNN công bố và tăng liên tiếp trong nửa tháng qua. Người dân đổ xô đi mua USD để tích trữ, còn doanh nghiệp không mua được ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
 
Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD thực chất không phải là mức 19.500 VND mà là 19.880 VND, ngoài ra còn cộng thêm các chi phí khác, khiến thị trường hình thành hai loại tỷ giá. Trong khi đó, quy mô giao dịch ngoại tệ giảm, trạng thái ngoại hối của các ngân hàng từ mức 3% giảm xuống 1% và thời gian gần đây là 0%. Điều này cho thấy, các ngân hàng không dư thừa ngoại tệ nên không thể nói là găm giữ mà không bán.
 
“Tỷ giá tăng vọt ảnh hưởng tới giá vàng, hàng hóa nhập khẩu cũng tăng lên trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát đang còn là thách thức lớn. Nền kinh tế có thể đứng trước bất ổn nếu chúng ta không có cái nhìn đúng về tỷ giá. Một số người cho rằng, cần phải can thiệp về tỷ giá; trong dư luận, kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá rất lớn”, ông Thúy nói.
 
Tuy nhiên, theo ý kiến của Chính phủ, điều chỉnh biên độ tỷ giá không có lợi, nhất là khi USD đang yếu đi so với các đồng tiền khác trên thế giới và bản thân tiền Việt không đến mức yếu thế. Giám đốc ADB cũng cho rằng, Việt Nam không đến mức phải điều chỉnh tỷ giá.
 
Thời gian qua, trước dự báo căng thẳng về cung cầu ngoại tệ, doanh nghiệp tập trung vay USD để tránh lãi suất VND cao, rồi lại bán USD ra để quay vòng đã tạo nên một lực cung giả tạo. Hiện tại, các doanh nghiệp này đến thời hạn đáo hạn phải mua trả nợ, khiến cung giả tạo ngày càng cạn trong khi cầu lại tăng lên. Tính đến ngày 14/10, tín dụng bằng USD tăng 52% so với đầu năm, còn tín dụng bằng VND chỉ tăng 14,6%.
 
“Thị trường đang bị mất cân đối cung cầu ngoại tệ cục bộ, nguyên nhân là do sự méo mó trong chính sách tiền tệ, lãi suất dẫn đến cách hành xử của người dân đối với các đồng tiền như hiện nay.
 
Bên cạnh đó, sức ép giảm lãi suất VND cũng khiến uy tín tiền Việt giảm, trong khi lạm phát đang có xu hướng tăng so với kế hoạch. Những điều này đã tạo nên tâm lý tích trữ ngoại tệ trong dân chúng, 15 ngày đầu tháng 10, tiền gửi VND giảm 45.000 tỷ đồng. Như vậy, có khoảng hơn 2 tỷ USD đã được rút ra để mua USD”, ông Thúy thẳng thắn nói.
 
Đủ ngoại tệ để can thiệp thị trường
 
Ông Lê Đức Thúy cho biết: Trong tháng 9, NHNN mua tăng dự trữ được 300 triệu USD, tháng 10 bán can thiệp chỉ 200 triệu USD và đây là biện pháp chưa đủ mạnh để chặn đứng tâm lý khan hiếm ngoại tệ.
 
Do đó, Chính phủ cho rằng, NHNN phải có chính sách can thiệp đủ mạnh, chẳng hạn như cấp đủ ngoại tệ cho nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón... để ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.
 
Bên cạnh đó, NHNN phải tăng dự trữ ngoại tệ. Mặc dù hiện dự trữ ngoại tệ giảm mạnh so với mức cao (23 tỷ USD) nhưng vẫn cao hơn mức hơn 10 tỷ USD của năm 2006, có nghĩa là nguồn dự trữ còn lại vẫn đủ để can thiệp trong tình hình hiện nay.
 
Ông Thúy cho biết thêm, Chính phủ từng yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi suất để phục vụ doanh nghiệp. Nhưng tình hình hiện nay đã khác, lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn so với dự kiến.
 
Do đó, Chính phủ không chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất nữa, vì theo xu hướng vận động luồng tiền, lãi suất VND giảm, đồng USD càng có giá. NHNN để ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu của thị trường.
 
Trong cuộc họp tối qua, Chính phủ cũng cho biết, lãi suất cơ bản không còn là công cụ điều chỉnh thị trường, NHNN cần phải sử dụng công cụ là lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở… để tác động đến mặt bằng lãi suất.
 
Nguyễn Hiền