Chủ tịch HĐQT EVN:

Không có cách gì giải được bài toán thiếu điện!

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng cho rằng, hạn hán có nguy cơ làm chậm tiến độ phát điện của tổ máy số 2 Thủy điện Sơn La. Dự báo từ 2012, tình trạng thiếu điện không có cách gì giải được.

Từ 2012, thiếu điện trầm kha

Ông Đào Văn Hưng cho biết, thủy điện hiện chiếm khoảng 6.500 MW trong tổng số hơn 19.000 MW công suất của toàn hệ thống điện. EVN có 17 hồ thủy điện trên cả nước, nhưng đến thời điểm này hầu hết các hồ khu vực phía Nam không có nước về, nhiều hồ như Thác Mơ, Trị An, Hàm Thuận - Đa Mi ở mực nước chết.
 
Không có cách gì giải được bài toán thiếu điện! - 1
Lần đầu tiên trong 23 năm kể từ khi đi vào hoạt động, Thủy điện Hòa Bình không mở cửa xả lũ vì nước về quá ít .

Tình trạng hạn hán kéo dài là thảm họa không thể cứu vãn được đối với ngành điện. Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2010, với tình hình này, kế hoạch phát điện cho năm 2011 rất đáng lo và nguy cơ thiếu điện trong năm tới rất rõ nét.

Việc cấp, thiếu điện đang trở lại gần giống như mùa khô. Gần đây, một số tỉnh phía Nam bị cúp điện do lượng điện thiếu so với nhu cầu thực tế ở mức cao, từ 5% đến 10%. Có những ngày, vào giờ cao điểm sáng và tối, lượng điện thiếu còn cao hơn. Sau tháng 9, EVN sẽ tính toán lại để báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ thống nhất kế hoạch sử dụng nguồn nước các hồ thủy điện.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng điện thiếu hụt tăng, theo lãnh đạo EVN, là do các đơn vị sản xuất thép trên cả nước đang ngốn tới 1.900 MW, các cơ sở sản xuất xi măng chiếm từ 1.200 đến 1.500 MW.

“Chúng ta đang phải trả giá cho việc giữ giá điện thấp quá lâu. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi lỗ tới gần 6.000 tỷ đồng. Mức lỗ dự kiến sẽ giảm bớt nhưng vẫn phụ thuộc vào lượng nước về các hồ cuối năm. Có thể nhìn thấy từ nay đến 2012 nguy cơ thiếu điện không có cách gì giải được. Nếu muốn giải chúng ta phải làm từ cách đây 7 - 8 năm”, ông Hưng nói.

Sau Đại lễ, cấp điện khó khăn

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho biết sản lượng điện của Công ty so với cùng kỳ năm 2009 thấp hơn khoảng 1,4 tỷ kWh. Mực nước hồ cũng thấp hơn 12,1m.

Để chuẩn bị cho năm 2011, Công ty đã xây dựng 3 phương án tích nước cho cuối năm 2010. Phương án 1: Mực nước hồ Hòa Bình cuối năm là 80 m (bằng mực nước chết), mực nước hồ Sơn La 190 m, sản lượng Thủy điện Hòa Bình năm 2010 ước đạt khoảng 7,4 tỷ kWh.

Phương án 2: Mực nước hồ Hòa Bình cuối năm là 117 m (mực nước dâng bình thường), mực nước hồ Sơn La 190 m, sản lượng Thủy điện Hòa Bình năm 2010 ước đạt khoảng 6,2 tỷ kWh.

Phương án 3: Mực nước hồ Hòa Bình cuối năm là 107,5 m, mực nước hồ Sơn La 190 m, sản lượng Thủy điện Hòa Bình năm 2010 ước đạt khoảng 6,6 tỷ kWh.

Cũng theo ông Thành, để đảm bảo cấp điện cho Hà Nội dịp Đại lễ 1.000 năm, EVN đã giao Công ty dành riêng 2 tổ máy với công suất 480 MW phát điện cho Hà Nội.

Năm trước, tại thời điểm này, Công ty phát 42 triệu kWh/ngày nhưng năm nay chỉ phát được 32 đến 36 triệu kWh/ngày. Sau dịp Đại lễ, tình hình cấp điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu lượng nước về các hồ không được cải thiện.

“Với tình hình hiện nay, không thể hoàn thành kế hoạch sản lượng điện của EVN giao đầu năm. Kể cả không tích nước hồ Sơn La và mức nước hồ Hòa Bình giữ nguyên 99m như hiện tại thì sản lượng cũng chỉ đạt 7,5 tỷ kWh, giảm khoảng 1 tỷ kWh so với kế hoạch. Để đảm bảo khả năng tích nước cho Thủy điện Sơn La, đề nghị EVN cho thực hiện tích nước theo phương án 3, đồng thời điều chỉnh sản lượng của Công ty là 6,6 tỷ kWh”, ông Thành nói.

Thủy điện Sơn La mắc cạn

Nguyên Trưởng ban quản lý dự án nhà máy Thủy điện Sơn La, ông Vũ Đức Thìn, Ủy viên HĐQT EVN, cho biết, hạn hán ở lưu vực sông Đà chắc chắn ảnh hưởng khả năng phát điện của EVN trong năm 2011 và ảnh hưởng việc vận chuyển thiết bị cho dự án thủy điện Sơn La.

Dự kiến, tháng 4/2011 sẽ phát điện tổ máy 2. Theo yêu cầu, bánh xe công tác nặng 240 tấn cần có mặt tại Thủy điện Sơn La vào khoảng 15/10 để kịp tổ hợp lắp đặt. Nhưng do nước kiệt, phương án đưa bánh xe công tác lên tận công trường không thực hiện được.

Các thiết bị quan trọng khác như máy biến áp nặng 275 tấn cũng đang mắc kẹt, chưa chuyển lên được. Nếu tình hình nước không thuận lợi kéo dài, tiến độ phát điện của tổ máy số 2 và số 3 có thể bị ảnh hưởng.

Mất mùa lũ trên sông Đà
 
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, từ đầu năm đến nay, lượng nước về tuyến sông Đà thấp, chỉ đạt 67% trung bình nhiều năm. Hiện mực nước tại hồ Sơn La là 165,82 m. Thống kê nhiều năm trên lưu vực sông Đà cho thấy, hằng năm xuất hiện từ 5 đến 8 trận lũ có đỉnh lớn hơn 5.000m3/s. Tuy nhiên, mùa lũ năm 2010 đã không xuất hiện một trận lũ nào có đỉnh lớn hơn 5.000m3/s, lưu lượng lớn nhất về hồ chỉ đạt 4.500 m3/s.
 
Theo Phạm Tuyên
Báo Tiền phong