Vì sao tư vấn Pháp "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc khi chạy thử đường sắt?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Việc chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên. Quá trình này nhiều tình huống được đặt ra và yêu cầu có phương án giải quyết ngay, đặc biệt là vấn đề an toàn".

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã cho PV Dân trí biết như vậy sáng nay (15/12), trước thông tin tư vấn Pháp vừa "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Theo đó, một số quy trình vận hành để đảm bảo an toàn của tổng thầu Trung Quốc được cho là đã bị tư vấn Pháp "tuýt còi". Tư vấn Pháp đưa ra tình huống đoàn tàu đang chạy trên tuyến cháy xảy ra ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý.

Xử lý trường hợp này, phía Tổng thầu Trung Quốc cho rằng lực lượng vận hành không được bấm nút để bơm khí tươi vào tàu, vì khi tàu cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm. Tuy nhiên, tư vấn Pháp không chấp nhận cách xử lý của Tổng thầu Trung Quốc và yêu cầu khi xảy ra cháy trên tàu, lực lượng vận hành phải bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách. 

Vì sao tư vấn Pháp tuýt còi Tổng thầu Trung Quốc khi chạy thử đường sắt? - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử trong 20 ngày (ảnh: Tiến Tuấn)

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng GTVT cho hay: "Bộ GTVT chưa nhận báo cáo nào về thông tin tư vấn Pháp "tuýt còi" Tổng thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng khi vận hành thử nghiệm thì nhiều tình huống giả định được đặt ra để tìm phương án giải quyết và sử dụng phương án nào sẽ được các bên thống nhất.".

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, những tình huống về kỹ thuật, khai thác, đặc biệt là an toàn của hành khách ngay trên đoàn tàu, đường ray, nhà ga đều được đặt ra. Vì vậy, việc vận hành thử nghiệm được thực hiện trong nhiều ngày để có đánh giá kỹ lưỡng, không phải chỉ thử nghiệm vài ngày có thể đánh giá được toàn bộ hệ thống.

"Hiện nay đang là vận hành thử, đang chuyển giao công nghệ và có rất nhiều việc phải làm, phải đánh giá, phải xử lý và thống nhất. Vì thế, trong một tình huống mà có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, quan trọng nhất là cuối cùng các bên thống nhất xử lý như thế nào cho hiệu quả nhất" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Đề cập tới ý kiến nhận định "trong phương án vận hành tàu, châu Âu họ tôn trọng con người (hành khách), còn tổng thầu tại dự án Cát Linh - Hà Đông lại quan tâm đến giữ an toàn cho phương tiện", Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng đây là ý kiến không có cơ sở. Bởi, đánh giá như thế nào đều có quy chuẩn, quy định và có nhiều bên tham gia giám sát.

"Về nguyên tắc, việc vận hành phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn khai thác, an toàn cho hành khách và phương tiện, chứ không phải là quan tâm tới con người hơn hay phương tiện hơn." - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Về tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về nguyên tắc khi triển khai dự án đã thông qua tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ của Trung Quốc nên khi thực hiện cũng sẽ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn đã được thông qua. Việc mời tư vấn độc lập của Pháp đánh giá về dự án là nhằm đảm bảo khách quan và yêu cầu cao nhất của dự án này.

Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận và vận hành dự án) - thông tin: Trong 3 ngày đầu vận hành thử Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các lượt tàu đã được chạy đủ theo biểu đồ hoạt động. Tổng số chuyến đạt 287 lượt/ngày; tần suất 6 phút/lượt vào giờ cao điểm, 10 phút/lượt vào giờ bình thường.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết toàn tuyến đã cơ bản bố trí đủ 650 người vận hành trên tuyến, thời gian nhân viên trực và vận hành tàu là từ 5h - 23h hàng ngày.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày, từ 12/12 - 31/12. Các đoàn tàu được đưa vào khai thác thử liên tục trong ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa đến cuối tuyến là ga Cát Linh.

Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. Khi khai thác, tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.

Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, ngoài những đánh giá chung của đơn vị thực hiện dự án thì tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác thì tư vấn Pháp mới cấp chứng chỉ cho dự án này.

Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Theo thiết kế, đoàn tàu có vận tốc thiết kế 80km/h, khi đưa vào khai thác thương mại, đoàn tàu có 4 toa có thể chở hơn 900 người và vận tốc khai thác thương mại trung bình đạt 35km/h.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.