Không chịu nhập khẩu thịt lợn, Bộ Nông nghiệp làm “trái lệnh” Thủ tướng?
(Dân trí) - Chỉ đạo của Thủ tướng là nhập khẩu ngay 100.000 tấn thịt lợn để bù đắp thiếu hụt thì đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới nhập khẩu được 45.000 tấn, việc này có trái lệnh Thủ tướng?
Câu hỏi nói trên được đặt ra với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (5/5), tại Hà Nội. Bộ này là cơ quan chủ trì và được Thủ tướng giao nhiệm vụ về nhập khẩu thịt lợn thời gian qua.
Điều hành cuộc họp báo, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chỉ định lãnh đạo Bộ NN&PTNT trả lời báo giới, tuy nhiên Bộ này không có đại diện tham dự.
Tiếp đó, chủ trì họp báo đề nghị ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - thông tin thêm về vấn đề nhập khẩu thịt lợn, ông Hải cho biết: Hiện nay cơ chế quản lý giá nói chung, trong đó có thịt lợn, theo cơ chế thị trường.
“Thịt lợn được điều hành theo giá thị trường và cơ chế cung-cầu. Thời gian qua giá thịt lợn tăng rất cao, về vĩ mô sẽ ảnh hưởng tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và cân đối của nền kinh tế, vi mô ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh” - ông Hải cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thịt lợn trong thói quen tiêu dùng được người dân sử dụng rất nhiều, thế mạnh của thịt lợn tiện trong chế biến với nhiều món ăn hợp khẩu vị người Việt. Tuy nhiên, thời gian qua là vấn đề cung-cầu, trong đó nguồn cung rất thiếu.
“Lí do là do dịch tả lợn châu Phi khiến thị trường rất thiếu, hiện trên toàn quốc có nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên người dân cũng chưa yên tâm tái đàn lợn và còn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư con giống để tái đàn” - ông Hải nói.
Cung cấp thêm số liệu về đàn lợn, ông Hải cho biết theo báo cáo của Bộ NNPTNT đàn lợn năm 2019 giảm 21% so với 2018, nhưng báo cáo của một số địa phương đàn lợn có thể giảm tới 50% hoặc hơn 50%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, có hai cách để khắc phục để tăng nguồn cung đó là tái đàn và nhập khẩu thịt lợn, tuy nhiên việc tái đàn không thể trong thời gian ngắn có thể khắc phục được nguồn cùng, dự kiến khoảng cuối năm 2020 thì đàn lợn mới quay trở lại như trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
“Thủ tướng và Ban chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn đề bù đắp thiếp hụt, nhưng đến hết tháng 4 mới nhập khẩu được 45.000 tấn” - ông Hải thông tin và cho biết các doanh nghiệp nhập khẩu phải đảm bảo về chất lượng thịt lợn nhập và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các thủ tục trước nhập khẩu liên quan trực tiếp tới Bộ NN&PTNT xử lý. Từ nay đến cuối năm, hi vọng sẽ bình ổn được giá thịt lợn.
Về việc một số doanh nghiệp có thị phần lớn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn (35%) đang độc quyền cung ứng thịt lợn, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã tiến hành kiểm tra và không phát hiện vi phạm thống lĩnh thị trường, trong đó Công ty CP của Thái Lan chiếm 20% thị phần cả nước.
“Đáng nói, giá công bố của doanh nghiệp là khoảng 45.000-50.000 đồng/kg nhưng giá bán ra lên tới 80.000 đồng/kg, Chính phủ đã có ý kiến và giá được hứa giảm xuống 70.000 đồng/kg, tuy nhiên thịt lợn tới tay người dân vẫn ở mức giá cao” - ông Hải nhấn mạnh.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ cũng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp.
“Thịt lợn đang gặp thách thức về thói quen tiêu dùng, vì người Việt Nam không quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, vì thế các doanh nghiệp không dám nhập nhiều và sợ lỗ” - ông Phương nêu ý kiến và cho rằng để tái đàn lợn phải có giống sạch, thời gian nuôi lợn phải mất khoảng 4 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng, vì vậy đó cũng là những khó khăn.
Châu Như Quỳnh