Không chỉ thua lỗ nghìn tỷ, PVTex còn liên tục dính vào kiện cáo
(Dân trí) - Mặc dù PVTex đã tạm ngừng hoạt động, song 6 tháng đầu năm 2016, PVN vẫn phải ghi nhận khoản chi phí cho dự án này lên tới 228,3 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2015. Chưa kể, PVTex còn tiềm tàng nhiều khoản công nợ và nghĩa vụ cam kết khác do bị khởi kiện nhưng chưa thể hiện hết trong số liệu tài chính của PVN.
Như đã đưa tin, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam - PVN) tăng xấp xỉ 9.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015, lên 328.298,6 tỷ đồng (hơn 14 tỷ USD). Trong đó, nợ ngắn hạn là 168.084,3 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 11.900 tỷ đồng).
Không chỉ dừng lại đó, thông tin tại báo cáo tài chính còn cho thấy, tại ngày 30/6/2016, tập đoàn có các khoản công nợ tiềm tàng và nghĩa vụ cam kết với ngân hàng, các bên được bảo lãnh khác phát sinh trong quá trình kinh doanh thông thường.
Tập đoàn cũng đã thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho một số khoản vay dài hạn của các đơn vị thành viên với số dư gốc vay phải trả là 7.285 tỷ đồng (ngày 31/12/2015 là 7.407 tỷ đồng). Trong đó bao gồm khoản vay dài hạn của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) tại BIDV với số dư gốc vay tại 30/6/2016 là 4.928,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo PVN, các khoản công nợ tiềm tàng trên không được đánh giá trọng yếu.
Đáng chú ý là ngày 27/5/2016, Tòa án nhân dân Quận Hải An, Hải Phòng gửi thông báo đến PVTex về việc thụ lý sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vĩnh (DVIZ – bên khởi kiện) và PVTex (bên bị kiện).
DVIZ yêu cầu PVTex phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo các hợp đồng kinh tế giữa DVIZ và PVTex và hoàn trả mặt bằng xây dựng.
Các khoản này bao gồm: Số tiền nợ gốc là 50,1 tỷ đồng; lãi chậm trả do DVIZ ước tính đến ngày 31/3/2016 là 18,5 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng cung cấp điện là 2,6 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại cho DVIZ số tiền khắc phục hậu quả do tàu đâm va gây hư hại phao luồng cầu cảng kể cả lãi trả chậm là 277 triệu đồng. Đồng thời, hoàn trả lại mặt bằng xây dựng khu đất thuê để làm nhà tạm cho PVTex với diện tích 4.000 m2.
Hiện hai bên đang phối hợp để xác nhận số tiền nợ gốc, lãi chậm trả, phạt vi phạm hợp đồng và các khoản bồi thường thiệt hại tại ngày 30/6/2016. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của PVN chưa bao gồm các điều chỉnh có thể phát sinh từ sự kiện này.
Đến ngày 5/7/2016, PVTex nhận thêm thông báo của Trọng tài Quốc tế ICC Singapore (ICC) liên quan đến việc thụ lý đơn kiện của Công ty TNHH Huyndai Engineering (HEC) về việc PVTex vi phạm hợp đồng EPC khi không trả lại khoản tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng mà PVTex đã rút với số tiền gần 9,7 triệu USD.
HEC yêu cầu PVTex phải hoàn trả số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng và trả các chi phí và thiệt hại của HEC liên quan đến vụ kiện và tiền lãi tính trên số tiền bảo lãnh. Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của ICC, các bên (PVTex và HEC) phải phản hồi chính thức đối với yêu cầu của ICC về vụ kiện.
Tuy vậy, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, PVTex vẫn chưa phản hồi chính thức đối với yêu cầu của ICC và đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản tiền bảo lãnh nêu trên cũng như các nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của PVN cũng chưa bao gồm các điều chỉnh có thể phát sinh từ sự kiện này.
PVTex là doanh nghiệp sở hữu nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) - có tổng mức đầu tư 325 triệu USD (khoảng 7.200 tỷ đồng), công suất thiết kế hàng năm là 145.000 tấn xơ PSF và 30.000 tấn sợi DTY.
Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ đã tạm dừng hoạt động, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, PVN vẫn phải ghi nhận khoản chi phí cho dự án này lên tới 228,3 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2015.
Theo thiết kế, nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 5/2014, PVTex liên tục phải áp dụng chính sách bán giá thấp hơn giá hàng nhập khẩu do đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá từ các nguồn hàng nhập khẩu. Nhiều lần, nhà máy đã phải lâm vào cảnh đắp chiếu, tạm dừng hoạt động.
Năm 2015, PVTex thua lỗ 1.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã phải thừa nhận, tình hình tài chính của công ty đang cạn kiệt, mất cân đối và không đủ nguồn vốn lưu động để vận hành Nhà máy, không có khả năng thanh toán chi tiêu tối thiểu và nợ đến hạn.
Bích Diệp