1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Không cần các biện pháp hạn chế TTCK nếu đủ nguồn cung

(Dân trí) – Chỉ trong vòng 12 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng đến 9 lần trong khi giá trị cổ phiếu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những thành công này trong con mắt các nhà phân tích quốc tế là hoàn toàn bình thường, hợp quy luật chứ không hẳn là nguy cơ bong bóng như nhiều chuyên gia vẫn nhận định.

Đó là nhận định của hầu hết các diễn giả tham gia Diễn đàn Đầu tư Việt Nam thường niên lần thứ 2 với chủ đề “Nguồn vốn cho tăng trưởng: Con hổ tương lai của châu Á” diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 19 - 20/3. Phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam là vấn đề nóng nhất khiến buổi tọa đàm chật kín các nhà đầu tư quốc tế.

 

Cuộc tọa đàm về tình hình thị trường cổ phần - thách thức, cơ hội và trở ngại diễn ra sáng nay tại hội trường lớn khách sạn Melia Hà Nội với hơn 1.000 chỗ ngồi đã chật kín người nghe. Không còn một ghế trống, nhiều nhà đầu tư quốc tế ngồi bệt xuống thảm chăm chú lắng nghe.

 

Cộng đồng quốc tế cũng đã rất khen ngợi thái độ tích cực, chịu khó lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư tài chính của các cấp lãnh đạo Việt Nam.

 

Nhiều lo ngại về tính minh bạch trong định giá tài sản

 

Ông Kevin Snowball, Giám đốc Công ty Quản lý tài sản PXP Assest Management Việt Nam, cho rằng: “Việc định giá các công ty lớn ở Châu Á khiến nhiều nhà đầu tư lưỡng lự khi tham gia thị trường này. Chính sự lo ngại này đã chuyển luồng vốn đầu tư vào một số thị trường khác được kiểm toán chặt chẽ hơn như các công ty của Nga.

 

Mặt khác, giá cổ phiếu liên tục tăng trên TTCK Việt Nam khiến nhà đầu tư có một cảm giác không yên tâm. Những gì chúng tôi có thể làm là cảnh báo để các nhà đầu tư nhỏ có những định hướng đúng hơn, ví dụ khi mua cổ phiếu phải chú trọng vào đầu tư dài hạn, tuy nhiên đa phần nhà đầu tư nhỏ lại không mong chờ điều này”.

 

Đại biểu từ Indochina Capital cũng tỏ ra ái ngại về việc định giá cổ phần hóa các công ty lớn của nhà nước như VinaPhone, MobiFone, Sacombank... bởi vì nhiều doanh nghiệp sở hữu một lượng tài sản khổng lồ nhưng khi định giá thì giá trị lại thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực. Mục đích của họ là nhằm mua được cổ phiếu của công ty khi phát hành lần đầu tiên với mức thấp. Việc bưng bít thông tin là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoại rất e ngại. Việc làm này khiến tài sản nhà nước bị thất thoát vào tay một vài cá nhân và thị trường chứng khoán sẽ phát triển thiếu minh bạch.

 

Sự bùng nổ của thị trường OTC

 

Thị trường OTC là một kênh dẫn vốn rất quan trọng, nhưng đến nay cũng rất khó để đưa ra được một đánh giá chính xác vì có đến khoảng 2.100 công ty thực hiện bán cổ phiếu nhưng chưa niêm yết trên TTCK.

 

Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường OTC đã tăng từ 5 đến 6 lần trong năm qua so với thị trường chính thống chỉ trong vòng một năm qua.

 

Ông Dean Van Drasek, giám đốc điều hành, Công ty tư vấn LIM Advisors, dự đoán, thị trường cổ phần hóa trong năm 2007 sẽ có nhiều sự lựa chọn thú vị cho các nhà đầu tư. Các ngân hàng như Vietcombank, các công ty nước giải khát lớn như Sabeco, Habeco, các công ty viễn thông... được cổ phần hóa trong năm nay với tổng trị giá khoảng 500 triệu đến 2 tỷ USD tham gia vào TTCK sẽ góp phần điều tiết thị trường phát triển đúng hướng.

 

Nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại về nguy cơ tăng trưởng quá nóng dẫn đến khủng hoảng thị trường tài chính như đã từng xảy ra tại Thái Lan trước đây. Sự đầu tư quá lớn vào TTCK, ngân hàng và bất động sản sẽ có tỷ lệ ngoại hối quá cao nên việc kiểm soát dòng vốn vào và ra là hết sức quan trọng. Theo ông Paul Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty Wellington Management International, Chính phủ Việt Nam nên hạn chế mức trần và chặt chẽ trong cấp phép về quản lý quỹ.

 

Trần Đức