“Không bảo hộ sâu với các “ông lớn” trên thị trường ô tô"
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông tại buổi họp báo công bố luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng nay, 12/12.
Việc ngành sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô được đưa vào danh mục nhận nhiều câu hỏi của báo giới.
Nói về những thay đổi trong điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, việc tập hợp và công bố Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo phương pháp chọn bỏ là một trong những cải cách quan trọng của luật Đầu tư. Việc này góp phần đổi mới nguyên tắc áp dụng pháp luật, từ việc nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư kinh doanh tất cả các ngành nghề mà Luật này không cấm.
Dù vậy, thực tiễn thi hành luật Đầu tư thời gian qua đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Lý do, theo Thứ trưởng Đông, một số ngành nghề quy định tại danh mục không còn cần thiết do không đáp ứng các tiêu chí và mục tiêu quy định tại luật Đầu tư.
Đến nay, nhiều luật khác được ban hành khi luật Đầu tư có hiệu lực thi hành (như luật An toàn thông tin mạng, luật Dược, luật Khí tượng thuỷ văn…) đã quy định một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới, cần được bổ sung trong danh mục.
Sau nữa, ông Đông cũng cho rằng, một số ngành nghề được quy định tại danh mục còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể và chuẩn xác cả về tên gọi cũng như nội dung dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Luật này đã được xây dựng trong quy trình rút gọn, thông qua tại 1 kỳ họp Quốc hội, sau khi đã thu hẹp nhiều nội dung, từ dự kiến ban đầu sửa 12 luật liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh hạ xuống mục tiêu sửa 3 luật và rồi cuối cùng, chỉ còn trình Quốc hội sửa Điều 6 và sửa lại phụ lục về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện này.
Thứ trưởng KH- ĐT nhấn mạnh, việc rà soát, sửa đổi bổ sung các suy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Có 2 công việc trái ngược ban soạn thảo dự án luật đã thực hiện. Một là cắt giảm những ngành nghề không còn cần thiết phải áp điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm xoá bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Hai là bổ sung những ngành nghề Nhà nước cho rằng cần thiết phải quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, sức khoẻ cộng đồng, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, ngoài việc bổ sung “kinh doanh pháp nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành nghề có điều kiện có sự điều chỉnh như sau:
Quốc hội thống nhất bãi bỏ 20 ngành nghề không phù hợp với tiêu chí cần áp điều kiện như ngành kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá; kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh; nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện; kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; kinh doanh dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Ngược lại, có 15 ngành nghề được bổ sung vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh thiết bị phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vụ; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kiểm định chất lượng giáo dục; Kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn…
Nhà nước cũng hệ thống hoá, hợp nhất… 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác thành 48 ngành nghề để nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định luật.
Xây dựng điều kiện để “áp” cho ngành kinh doanh ô tô
Khi luật này được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (vừa kết thúc 2 tuần trước), rất nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra liên quan đến việc đưa ngành nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục áp điều kiện đầu tư kinh doanh.
Để chuẩn bị cho nội dung này, Quốc hội đã quyết định hiệu lực thi hành dành riêng cho ngành nghề nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” này (cùng với ngành “kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”) chậm hơn 6 tháng so với hiệu lực thi hành chung của cả luật. Cụ thể, luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2017 nhưng với 2 ngành nghề nêu trên, đến 1/7/2017 mới phải thi hành.
Trong thời gian đó, Quốc hội giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong ngành “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” và “kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” này vì dù đã được đưa vào danh mục nhưng lại chưa có quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh 2 ngành nghề này.
Trả lời câu hỏi đặt ra về lý do ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô được đưa vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, việc này có phải vì mục đích bảo hộ sản xuất với những “ông lớn” trong ngành, trước hết, Thứ trưởng KH-ĐT Đặng Huy Đông xác nhận, nội dung này đã thu hút sự quan tâm rất cao của xã hội trong suốt quá trình soạn thảo, xem xét luật tại Quốc hội.
Quá trình làm luật, nội dung về ngành nghề này nhận được thảo luận sôi nổi nhất và cũng được xin ý kiến riêng trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự luật.
“Cũng chưa bao giờ mà có một cuộc toạ đàm tới 2,5 tiếng (từ 16h-18h30) tại Bộ KH-ĐT với báo chí về nội dung này. Khi đó, tôi đã chia sẻ, chứng minh được rằng đề xuất đưa ngành nghề này vào danh mục của chúng tôi đưa ra không phải do cảm tính mà đã lượng hoá cả những mặt tích cực/không tích cực khi đưa ra với 3 nhóm lợi ích được phân tích: lợi ích của người tiêu dùng, của người tham gia sản xuất kinh doanh, của Nhà nước. Với người sử dụng ô tô, chúng tôi thấy có 4 lợi ích và 1 băn khoăn đã trả lời được. Với phía doanh nghiệp, cũng có tới 5 lợi ích và cũng chỉ 1 băn khoăn là có tạo lợi thế độc quyền cho các “ông lớn” trên thị trường, làm ảnh hưởng khả năng tham gia thị trường của những doanh nghiệp nhỏ khác” - Thứ trưởng Đông giãi bày.
Chốt lại, đại diện Bộ KH-ĐT khẳng định, việc áp điều kiện kinh doanh với ngành nghề này sẽ “không dẫn tới hệ quả bảo hộ sâu đối với hoạt động của các “ông lớn” trên thị trường hiện tại mà như dư luận nói càng bảo hộ sâu thì ngành nghề càng không phát triển”.
Thứ trưởng KH-ĐT quả quyết: “Chúng tôi đã cân nhắc và trình bày rất cụ thể những vấn đề này tại 3 vòng thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội và sau hết đã được toàn thể Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao, hơn 80% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua”.
P. Thảo