Khởi tố nguyên Chủ tịch Vinaconex: Loại bỏ “vùng cấm”, cá nhân “hạ cánh an toàn”
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, luật gia Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, vụ khởi tố bị can với nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex Phí Thái Bình cho thấy quyết tâm loại bỏ tất cả vùng cấm cũng như những cá nhân “hạ cánh an toàn”. Vụ việc này cũng giải tỏa bức xúc của người dân Thủ đô.
Như đã đưa tin, hôm qua (22/5), Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinaconex.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Phí Thái Bình có liên quan đến giai đoạn ông này làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà, trước khi về làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà - đoàn đại biểu TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về vụ việc này bên hành lang Quốc hội sáng nay (23/5):
Thưa ông, liên quan đến việc khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex về sai phạm trong thời kỳ ở Vinaconex, ông có suy nghĩ như thế nào?
Có thể nói quyết định khởi tố trường hợp cụ thể như trên cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật ngay cả khi họ đương chức và khi họ đã nghỉ hưu.
Thứ hai, nó đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, điều này cũng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, loại bỏ tất cả vùng cấm cũng như những cá nhân “hạ cánh an toàn” trong thời gian qua, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Trước đây, cơ quan điều tra lấy lý do vì nhân thân mà không khởi tố ông Phí Thái Bình. Nay nên hiểu như thế nào về quyết định này, sao lại có sự thay đổi đó, thưa ông?
Thay đổi này liên quan đến tố tụng, mà liên quan tới tố tụng thì phụ thuộc vào chứng cứ.
Có thể thời điểm đó chưa có đủ chứng cứ theo quy định của pháp luật thì chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can.
Tương tự, nhiều trường hợp chúng ta thấy đã nghỉ hưu rồi mới xử lý, khởi tố cũng là vì tại thời điểm trước đó chưa có đủ chứng cứ để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự.
Việc chậm trễ không có gì trái với quy định của pháp luật mà đúng ra đó là sự thận trọng cần thiết. Quốc hội vừa qua có Nghị quyết, yêu cầu cao trong việc đấu tranh phòng chống oan sai, chính yêu cầu này đặt cơ quan tố tụng cần phải rất thận trọng khi đưa ra quyết định khởi tố vụ án, bị can.
Đường ống nước sông Đà đã vỡ tới 18 lần, gây bức xúc rất lớn với người dân Hà Nội
Là một đại biểu của TP Hà Nội, ông đánh giá thế nào về sai phạm xảy ra tại Vinaconex khi vài năm đưa vào sử dụng, đường ống sông Đà liên tục vỡ? Theo ông, người dân đón nhận quyết định này thế nào?
Vi phạm và những hậu quả của các vi phạm xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, không chỉ về sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng công việc chung của doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức. Từ đó ảnh hưởng tới hoạt động chung của Thủ đô, đất nước.
Vì những hậu quả gây ra như vậy: ảnh hưởng cuộc sống, sức khỏe, tinh thần… nên đã làm cho nhân dân Thủ đô không khỏi bất bình. Tôi cho rằng, quyết định này làm cho người dân cảm thấy giống như thoát khỏi ức chế trong thời gian qua. Họ tin tưởng từ bây giờ cuộc sống, công việc, sức khỏe, gia đình của họ sẽ được bảo đảm.
Họ cũng tin tưởng hơn vào sự nghiêm minh của pháp luật. Những hậu quả gây ra một phần do sự thiếu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Tôi tin rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc với những chứng cứ, họ đã và sẽ tiếp tục thu thập bằng chứng, chứng cứ để xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật với các hành vi vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp (ghi)