Khối ngoại bán ròng FPT trên đỉnh giá; một mã cổ phiếu tăng trần 11 phiên

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi VN-Index tiếp tục điều chỉnh về dưới mốc 1.270 điểm thì VCA vẫn tăng trần phiên thứ 11 liên tiếp. FPT bị bán ròng trên vùng đỉnh, giá đóng cửa neo trên mốc 150.000 đồng.

VN-Index tiếp tục điều chỉnh

Lực bán mạnh hơn vào phiên chiều khiến các chỉ số đồng loạt quay đầu giảm. VN-Index tiếp tục điều chỉnh thêm 1,51 điểm tương ứng mất 0,12% còn 1.267,35 điểm. HNX-Index giảm 0,19 điểm tương ứng 0,08% và UPCoM-Index giảm 0,06 điểm tương ứng 0,07%.

Khối ngoại bán ròng FPT trên đỉnh giá; một mã cổ phiếu tăng trần 11 phiên - 1

VN-Index gần như đi ngang trong một tuần qua (Ảnh chụp màn hình).

Giá cổ phiếu chiết khấu thấp hơn so với phiên sáng nhưng thanh khoản thị trường lại co hẹp. Khối lượng giao dịch trên HoSE chỉ đạt 554,12 triệu đơn vị tương ứng 13.492,32 tỷ đồng; trên HNX là 46,28 triệu cổ phiếu tương ứng 874,48 tỷ đồng và trên UPCoM là 32,51 triệu cổ phiếu tương ứng 456,29 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường lúc này nghiêng về phía các mã giảm với 414 mã mất giá so với 375 mã tăng. Trong đó việc một số mã lớn như HPG, VIC, MSN cùng LPB, HVN, VTP giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến xu hướng hồi phục của chỉ số. Chiều ngược lại, VCB, EIB, HDB vẫn là những mã có tác động tích cực nhất lên VN-Index.

Trong bối cảnh thanh khoản đi xuống thì giao dịch tại nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm sáng. Kết phiên, khớp lệnh tại VPB tăng lên 23 triệu cổ phiếu trong khi mức giá nhích nhẹ 0,3%. TCB khớp 18,5 triệu đơn vị, TPB khớp 17,4 triệu đơn vị và HDB khớp 12 triệu đơn vị. HDB khớp lệnh 14,8 triệu đơn vị nhưng giá điều chỉnh 0,9%.

Thị trường xuất hiện sự phân hóa đáng kể tại một số nhóm ngành. Ở ngành xây dựng và vật liệu, nếu như phía giảm có NAV giảm 5,2%; DC4 giảm 4,2%; DXV giảm 2,9%; HVX giảm 2%; EVG giảm 2% thì chiều ngược lại, LGC tăng trần, CTI tăng 2,1%; THG tăng 2%; CIG tăng 1,4%; VGC tăng 1,4%...

Ngành bất động sản có một số mã giảm sâu: VRC giảm sàn, NBB giảm 6,7%; TIX giảm 5%; SCR giảm 2,9%; trong khi đó, FDC tăng trần, SGR tăng 2,8%; HTN tăng 2,2%. DXG tăng 0,8% với khớp lệnh 13,2 triệu đơn vị.

Hôm nay, hoạt động của khối ngoại kém tích cực. Khối này bán ròng 327 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, giá trị bán ròng trên HoSE là 286 tỷ đồng. FPT là tâm điểm của hoạt động bán ròng với giá trị bán ròng lên tới 116 tỷ đồng, kế đến là MSN và FRT với lần lượt 50 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng TCB, HDB, VTP, HPG.

FPT sau khi phá đỉnh hôm qua thì nay cũng đã điều chỉnh nhẹ 0,2%, thị giá vẫn trên mốc 150.000 đồng (đạt 150.200 đồng). Trong phiên hôm nay, có thời điểm FPT vẫn tăng giá lên 151.900 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng kéo VN-Index

Trước đó, diễn biến VN-Index trong phiên sáng thuận lợi hơn. Đà tăng được giữ trong suốt phiên buổi sáng, chỉ số đại diện sàn HoSE tạm thời ghi nhận mức tăng 4,95 điểm tương ứng 0,39% lên 1.273,81 điểm.

VN30-Index tăng 6,2 điểm tương ứng 0,46%. HNX-Index tăng 0,34 điểm tương ứng 0,15% và UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,11%.

Thanh khoản đạt 277,51 triệu cổ phiếu tương ứng 6.714,41 tỷ đồng trên HoSE và 23,16 triệu cổ phiếu tương ứng 467,03 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM ghi nhận 17,68 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 259,15 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng FPT trên đỉnh giá; một mã cổ phiếu tăng trần 11 phiên - 2

Một số ngân hàng có thể được nới hạn mức cho vay tín dụng dịp cuối năm (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Sắc xanh chiếm ưu thế trong bức tranh chung với 426 mã tăng giá so với 265 mã giảm. Đồng thời vẫn còn có tới 777 mã chưa diễn ra giao dịch nào.

Hoạt động giao dịch tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, đồng thời đây cũng là nhóm ngành có cổ phiếu đóng góp tích cực nhất đến đà hồi phục của VN-Index.

Cụ thể, VPB tăng 1,3%, khớp lệnh 15,9 triệu đơn vị; TPB tăng 1,2%, khớp lệnh 12,9 triệu đơn vị; TCB tăng 1%, khớp lệnh 12,1 triệu đơn vị. Một số mã khác như EIB, HDB, STB, BID, SHB cũng tăng giá và có khớp lệnh tích cực.

Trong mức tăng chung, VCB đóng góp 1,09 điểm cho VN-Index; BID đóng góp 0,55% điểm, VPB đóng góp 0,48 điểm; TCB đóng góp 0,43 điểm. HDB, CTG, STB cũng có ảnh hưởng tích cực.

Ngân hàng Nhà nước cuối tháng trước đã tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp, ghi nhận lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm 2024, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Theo Chứng khoán SHS, có 5 ngân hàng đủ điều kiện được cấp hạn mức tín dụng bổ sung lần này gồm VietinBank, ACB, VIB, Techcombank, Maritime Bank. Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao vào thời điểm cuối năm.

Sáng nay, một số mã ngành dịch vụ tài chính điều chỉnh, như TCI, TVS, EVF, VDS, BSI, APG, nhưng ngược lại, một số giữ được đà tăng tích cực. BCG tăng 3,1%, khớp lệnh 13,6 triệu cổ phiếu; DSE tăng 1,8%; HCM tăng 1%, khớp lệnh 4,8 triệu đơn vị.

VCA của Công ty cổ phần Thép Vicasa - Vnsteel tiếp tục gây ấn tượng với diễn biến tăng trần lên 17.600 đồng, trắng bên bán. Một số mã tài nguyên cơ bản khác tăng khá tốt: KSB tăng 2,2%; SMC tăng 1,7%; DLG tăng 1%. Chiều ngược lại, TNT điều chỉnh 3,7%; AGG giảm 1,7%; BMC giảm 1,5%.

Dù VN-Index lấy lại được ngưỡng 1.270 điểm nhưng theo giới phân tích kỹ thuật, VN-Index đang khá khó khăn trong việc vượt qua ngưỡng 1.275 điểm. Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, việc giằng co tại ngưỡng này quá lâu cũng không phải điều tích cực đối với chỉ số. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể lùi về SMA 20 trong những phiên tới.

Còn Agriseco Research cho rằng, nhịp rung lắc kiểm định như trên tương đối cần thiết sau giai đoạn chỉ số tăng điểm nhanh chóng. Dự báo VN-Index có thể sẽ biến động với những nhịp tăng-giảm xen kẽ và hướng dần lên vùng 1.280-1.300 điểm trong các phiên tới.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục. Mốc hỗ trợ 1.260 điểm, tương ứng vùng giao của MA50 và MA200 ngày là hỗ trợ đáng tin cậy cho xu hướng ngắn hạn, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân thêm tại vùng này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm