Khởi nghiệp: Kiếm vài chục triệu đồng/tháng từ nhu cầu của chị em công sở
(Dân trí) - Xúng xính trong những chiếc váy là niềm mơ ước của rất nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, với nhiều người, việc khoác lên mình những chiếc váy theo kích cỡ may sẵn lại là một điều xa xỉ.
Nhu cầu thực tế
Phụ nữ hiện đại thường xuyên phải ‘đầu tắp mặt tối’ với cả công việc và gia đình, nên ít có thời gian quan tâm tới việc giữ dáng như thời còn thiếu nữ.
Dần dần, trang phục họ chọn khi đứng trước các shop thời trang không còn ưu tiên tôn lên những đường cong quyến rũ nữa. Mà thay vào đó, là những trang phục rộng, size lớn dễ che khuyết điểm trên cơ thể.
Chị Lê Ngọc Mai, một nhân viên ngân hàng tại Liễu Giai, Hà Nội chia sẻ: “Thời còn sinh viên, việc mua quần áo rất nhẹ nhàng bởi lúc ấy thân hình gọn gàng, mặc gì cũng dễ. Nhưng từ khi sinh thằng nhóc xong, cân nặng cứ tăng vùn vụt, lắm lúc còn chẳng dám đứng trước gương.”
“Quần áo thì lúc nào cũng rộng thùng thình để mọi người nhìn đỡ béo, mà còn toàn phải mặc đồ đen. Đi mua quần áo mới thực sự đau đầu, vì cái vừa ngực lại chật bụng, ưng cái váy thì nhìn lại chật cổ,... Dần dần tủ đồ toàn váy đen suông, bạn bè lại tưởng mình chỉ có 1 bộ để mặc.”, chị Mai than thở.
Chung cảnh ngộ với chị Mai, chị Hoàng Thị Tâm Thủy hiện đang làm kế toán tại Hải Dương chia sẻ: “Tôi cũng rất khó khăn khi chọn đồ mặc. Bộ nào ưng cũng đều phải sửa vì mình nhỏ người. Nhưng khổ nỗi, đâu phải cứ sửa là mặc được, nhiều lần sửa về mất hết cả dáng váy, lại cất tủ chẳng mặc được.”
“Bạn trai rủ đi mua quần áo tặng sinh nhật mà đi cả ngày cũng không mua được. Chờ lâu quá, bực mình, anh ấy toàn đòi về vì kêu mình khó tính, kén chọn. Nhưng nào phải thế, mình nhỏ người nhưng hay ăn vặt nên bụng lại hơi nhiều mỡ, thành ra chiếc váy xòe hay chiết eo đều mặc không đẹp.”, chị Thủy nói.
Khởi nghiệp khi còn đi học
Nằm sâu trong con phố nhỏ Vương Thừa Vũ, nhưng cửa hàng thời trang của Lương Việt Dũng vẫn thường xuyên nhộn nhịp khách ra vào. Tuy nhỏ nhưng đây là nơi chàng trai trẻ sinh năm 1994 tại thành phố Hải Dương với niềm đam mê thiết kế gửi gắm toàn bộ hi vọng.
Đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm 20,5, nhưng ngọn lửa đam mê thực sự với thiết kế đã thôi thúc, khiến Dũng quyết định dấn thân vào khởi nghiệp khi vẫn việc học vẫn còn ngổn ngang.
Dẫu biết khó khăn khi vừa học vừa làm, nhất là môi trường khắc nghiệt như Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ này vẫn được xuất bản, từ chính ý tưởng phục vụ nhu cầu thiết thực của chị em phụ nữ.
Thời gian đầu khởi nghiệp, cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, Dũng và bạn bè của mình cũng gặp khá nhiều khó khăn. Về quãng thời gian đó, Dũng chia sẻ: “Hồi đó, cơ sở còn khá bé, máy mọc dụng cụ đều vay mượn để mua. Thời gian đầu, khách đến xem cũng chỉ có vài người chứ chẳng nói tới mua. Nguyên do là bởi, mình chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc quản lý, cũng như marketing quảng cáo và số mẫu thiết kế còn chưa nhiều.”
“Nhưng may mắn là bộ sưu tập đầu tiên khá thành công nên có tiền để xoay vòng đầu tư, mua thêm máy móc, mua nhiều vải để làm thêm mẫu, rồi từ đó chuyển ra cơ sở lớn hơn ở Vương Thừa Vũ bây giờ.”, Dũng nói.
Sau 9 tháng hoạt động cậu bạn này tự hào: “Hiện giờ, cửa hàng đã bán được khoảng 300 chiếc váy/tháng, mang về doanh thu trung bình 150 triệu đồng/tháng, trừ đi mọi chi phí cũng có lãi khoảng 50 triệu đồng. Để phục vụ đủ nhu cầu, cửa hàng đã phải tuyển thêm người và hiện có 5 thợ may, 1 thợ cắt, 2 thiết kế, 2 người bán, 3 người làm Marketing và 1 đội chụp ảnh.”
“Công việc cũng đã dần đi vào ổn định, cứ 3 tuần, mình lại cho ra một bố sưu tập mới với nhiều màu sắc, thiết kế. Dần dần, lượng khách bây giờ đã đạt ổn định trung bình 10 khách/ngày.”, Dũng cho biết thêm.
Có được những thành công bước đầu như vậy, Dũng cho rằng: “Cách làm của bọn mình đã đánh trúng tâm lý của khách hàng, nhất là dân công sở trẻ và sinh viên.”.
Và lý do chính là bởi: “Hàng bọn mình tự thiết kế, lại có rất nhiều mẫu cho khách tha hồ chọn. Sau đó sẽ lấy số đo của khách để cân đối và cho ra sản phẩm theo mẫu khách đã chọn. Khách không phải mất thêm bất kì một chi phí nào. Sản phẩm sẽ được cửa hàng bảo hành trong vòng 6 tháng và nếu không ưng có thể sửa đến khi nào thấy ổn thì thôi.”
“Và với mỗi khách, mình lại có một cách chăm sóc khác nhau, khách béo có mỡ bụng thì sẽ có chi tiết thiết kế che eo, tôn dáng. Thêm bèo hoặc đai để có thể che khuyết điểm bụng to. Ngoài ra, khách mặc hàng suông và dáng A cũng che khuyết điểm được.”, Dũng nói.
Đặc biệt nhất theo cậu bạn này là: “Nếu là hàng may đo theo số đo, có thể cân đối hạ eo xuống thấp hoặc cao hơn, cùng hạ ngực và form váy, làm như vậy sẽ tương đối giúp dáng váy lên form người đẹp nhất.”
“Với các khách bắp tay to, vai thô hay bị khuyết điểm nào khác trên cơ thể, cũng có nhiều cách sửa hoặc thêm chi tiết vào để hoàn thiện nhất cho người mặc.”, Dũng chia sẻ thêm.
Đang xem đồ tại cửa hàng, Huỳnh Hoàng Quỳnh Hoa - sinh viên Đại học Nội Vụ, là khách “ruột” của cửa hàng cho biết: “Mình hay mua hàng ở đây với giá dao động từ 350.000 – 550.000 đồng/bộ váy. Mức giá này với nhiều sinh viên mới lên đại học là hơi cao, vì hầu như những năm đầu, kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ.
“Nhưng nếu các bạn đi làm thêm có một chút tiền, thì việc lựa chọn cho mình một trang phục vừa vặn, lịch sự là điều nên làm.”, Hoa nói.
Đến lấy váy đã đặt may, Huyền Trang - diễn viên trẻ sinh năm 1995 cho hay: “Mình đã đặt váy ở đây cách đây 3 ngày, cửa hàng có gọi từ hôm qua nhưng hôm nay mới đến lấy được. Việc may đo này cũng khá mất thời gian nên nhiều lúc mình cũng lười. Tuy cửa hàng có lưu lại số đo nhưng cân nặng lại thường xuyên thay đổi nên muốn mua vẫn phải đo lại.”
“Nhưng, đồ ở đây khá ổn vì nó trẻ trung nhưng vẫn nhẹ nhàng, lịch sự, nhiều bộ có thể mặc đi diễn được. Có lỡ béo hơn một chút thì mình có thể mang trang phục cũ ra sửa lại mà không mất thêm chi phí gì.”, Trang cho biết thêm.
Thế Hưng