Khối FDI thuê công ty logistics ngoại, doanh nghiệp nội mất phần ở sân nhà

Việt Đức

(Dân trí) - "Chính phủ cần khoanh vùng các doanh nghiệp sản xuất mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam", lãnh đạo Hiệp hội Logistics TPHCM kiến nghị.

Chia sẻ tại hội thảo "Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19" diễn ra ngày 18/1, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, sau khi vượt qua giai đoạn đại dịch khó khăn nhất, các doanh nghiệp thuộc hội tiếp tục đối diện thách thức mới khi giá nguyên phụ liệu và phí dịch vụ logistics tăng cao. 

Hai vấn đề chính này khiến các doanh nghiệp thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới dù nhận được nhiều đơn hàng. Đặc biệt, chi phí logistics tăng cao cùng thời gian vận chuyển kéo dài do ùn tắc tại các cảng biển, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm bị rút ngắn và giá sản phẩm bị đội lên cao.

"Doanh nghiệp rất khó để điều chỉnh giá bán tăng tương ứng do hầu hết đơn hàng đã được ký trước. Doanh nghiệp cũng phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách hàng và tạo việc làm cho người lao động", bà Chi cho biết.

Khối FDI thuê công ty logistics ngoại, doanh nghiệp nội mất phần ở sân nhà - 1

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi (Ảnh: USAID TFP).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM Huỳnh Văn Cường cũng minh chứng, trước đây, một lô hàng xuất từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến Mỹ chỉ mất 18-20 ngày nhưng trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua có thể mất tới 3 tháng do vấn đề ùn tắc cảng biển, thiếu container. 

Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra thực tế nhiều khó khăn với hoạt động logistics của doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại ngay từ trước dịch Covid-19 như hệ thống giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa các loại hình vận tải, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến các cảng chính chưa theo kịp sự phát triển, thủ tục hành chính còn điểm chưa thông thoáng.

Từ thực trạng trên, ông Cường đề xuất cơ quan chức năng cần điều chỉnh, quản lý các thủ tục, quy định theo hướng thống nhất, linh hoạt, hệ thống hóa từng văn bản pháp lý về các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp tục đầu tư và cải thiện hệ thống cơ chế một cửa quốc gia.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM mong muốn một cơ chế đặc biệt để các doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt thị trường. Theo thống kê của hiệp hội này, trên dưới 70% hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hầu hết các gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế. Thực trạng này dẫn đến việc "miếng bánh" còn lại với doanh nghiệp trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng. 

Khối FDI thuê công ty logistics ngoại, doanh nghiệp nội mất phần ở sân nhà - 2

Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM Huỳnh Văn Cường (Ảnh: USAID TFP).

"Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam", ông Cường phát biểu.

Không chỉ các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng mong muốn doanh nghiệp Việt khắc phục những khó khăn sau đại dịch. Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại TPHCM. Do đó, TPHCM là địa bàn trọng điểm được USAID quan tâm thực hiện các chương trình tạo thuận lợi thương mại để giúp doanh nghiệp Việt cắt giảm chi phí, thời gian liên quan đến xuất nhập khẩu.