1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh

(Dân trí) - Sáng nay (1/7), Bộ Công Thương đã chính thức khởi động thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm. Ngay sau đó, có 48 trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW trực tiếp chào giá trên thị trường.

Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh - 1
Vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm
sẽ từng bước bảo đảm quyền lợi cho khách hàng (ảnh minh họa).

Tại buổi lễ khởi động, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc vận hành thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh là nhằm thử nghiệm tính đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp lý, tính đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện  cho các đơn vị làm quen cũng như đánh giá tác động của thị trường phát điện cạnh tranh.

Kết quả vận hành thị trường thí điểm sẽ là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chuyển sang vận hành thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm dự kiến sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Chào giá, xếp lịch và tính toán thanh toán được thực hiện theo đúng các quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhưng việc vận hành điều độ và thanh toán thực tế vẫn áp dụng như hiện tại.

Giai đoạn 2: Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào và tính toán theo thị trường phát điện cạnh tranh nhưng toàn bộ sản lượng điện năng vẫn được thanh toán theo hợp đồng.

Giai đoạn 3: Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, tính toán thanh toán theo thị trường. Từng bước thực hiện thanh toán theo thị trường đối với các đơn vị phát điện có đầy đủ điều kiện.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ bắt đầu vận hành ngay từ 1/7/2011. Các giai đoạn sau sẽ được Bộ Công Thương cân nhắc quyết định trên cơ sở kết quả thực hiện của giai đoạn 1.

Ngay khi bắt đầu thực hiện vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, có 48 trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW được trực tiếp chào giá trên thị trường. Dự kiến, đến cuối năm 2011, con số này sẽ tăng lên 55 nhà máy.

Tổng công suất đặt các nhà máy trực tiếp chào giá trên thị trường chiếm khoảng 61% công suất đặt toàn hệ thống điện. Các nhà máy BOT (Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2) sẽ do công ty Mua bán điện chào giá thay để đảm bảo bảo lãnh Chính phủ và trách nhiệm thanh toán.

Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (Sơn La, Hòa Bình, Ialy…) không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội (chống lũ, tưới tiêu…).

Lãnh đạo Cục cũng khẳng định, hiện nay trong giai đoạn thí điểm, do giá điện vẫn do nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa các cơ sở phát điện với công ty Mua bán điện như thế nào thì người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá nhà nước quy định.

Nhà nước cũng sẽ tiếp tục nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Các nhà máy điện còn lại thuộc sở hữu của EVN sẽ được tổ chức lại thành các Tổng công ty phát điện độc lập. Trước mắt, các Tổng công ty này sẽ tiếp tục trực thuộc EVN.

Lan Hương