Khóc ròng với vàng: Đầu tuần mua, cuối tuần bán là liêu xiêu vì lỗ
(Dân trí) - Nếu mua vàng vào thứ 2 (7/3) và bán vào thứ 7 (12/3), người mua lỗ ngay 5,52 triệu đồng/lượng. Tuần qua, giá vàng biến động khó lường.
Tuần "điên loạn" của vàng
Tuần qua, giá vàng biến động thất thường. Cụ thể, giá vàng giảm dần đều từ thứ 2 đến thứ 5 sau đó hồi phục vào thứ 6, thứ 7. Tuy vậy, vì biên độ giữa chiều mua và chiều bán vẫn rất lớn, dao động 1,8 - 2 triệu đồng/lượng nên rủi ro phần lớn thuộc về khách hàng.
Đơn giản, khách mua vàng vào thứ 2 (7/3) và bán vàng vào thứ 7 (12/3) thì lỗ ngay 5,52 triệu đồng. Tuy nhiên, các mức trên chỉ là giá ghi nhận vào cuối mỗi phiên giao dịch, nếu so sánh với các bước giá trong ngày sẽ có độ chênh khác nhau.
Theo ghi nhận của Dân trí, có những ngày giá vàng nhảy loạn xạ và biến động theo phút khiến giới đầu tư hoa mắt, chóng mặt.
Ví dụ như ngày 7/3, chỉ trong vòng vài tiếng, mỗi lượng SJC đã tăng hơn 3,2 triệu đồng chiều thu mua và xấp xỉ 3,9 triệu đồng ở chiều bán ra. Bảng điện tử tại các doanh nghiệp lớn kinh doanh vàng thay đổi liên tục theo chiều hướng đi lên và đến chiều thì giá đã là 72,87 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều thu mua là 71,25 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức trên không phải là giá cao nhất trong ngày khi cuối phiên giao dịch vàng đã tăng bốc lên ngưỡng 71,7 - 73,52 triệu đồng/lượng (mua - bán) - mức đỉnh lịch sử.
Việc giá vàng SJC liên tục đạt những mức chưa từng có ở cả chiều thu mua và chiều bán ra trong ngày 7/3 đã khiến người cầm vàng đổ xô đi chốt lời. Thậm chí, nhiều tiệm vàng ở các phố Cầu Giấy, Trần Nhân Tông (Hà Nội) đông nghẹt thở vì lượng khách đến giao dịch đông đột biến.
Tuy nhiên, niềm vui vàng tăng giá, lập đỉnh lịch sử không kéo dài được lâu vì sau đó một ngày (8/3), giá vàng đã lao dốc, "bốc hơi" khoảng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nếu chọn giá vàng (chiều bán ra) ngày 7/3 làm mốc để so sánh với các ngày thì con số lần lượt là: Vàng giảm 3,3 triệu đồng/lượng vào ngày (9/3), giảm 3,9 triệu đồng/lượng vào ngày (10/3), giảm 3,32 triệu đồng/lượng vào ngày (11/3), giảm 3,7 triệu đồng/lượng vào ngày (12/3).
Chênh lệch giá SJC của các "nhà vàng"
Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng, giá vàng miếng SJC có sự chênh lệch nhau tương đối. Theo khảo sát của Dân trí lúc 9h ngày 13/3, vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn có giá thu mua là 68 triệu đồng/lượng còn giá bán ra là 69,82 triệu đồng/lượng.
Nếu lấy giá tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn để so sánh, thì giá mua vào tại DOJI ở cùng thời điểm thấp hơn 800.000 đồng/lượng, giá bán thấp hơn 520.000 đồng/lượng. Còn giá tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 67,8 triệu đồng/lượng chiều mua, chiều bán là 70,5 triệu đồng/lượng. Phú Quý niêm yết vàng SJC tại 67,3 - 69,3 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá cùng thời điểm với vàng SJC là 67,32 - 69,28 triệu đồng/lượng (mua - bán), Bảo Tín Mạnh Hải là 67,3 - 69,35 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Như vậy, ở chiều mua vào, DOJI có mức giá mua vào thấp nhất là 67,2 triệu đồng/lượng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn có mức mua vào cao nhất là 68 triệu đồng/lượng.
Ở chiều bán ra, PNJ là đơn vị có mức giá bán cao nhất với 70,5 triệu đồng/lượng, Bảo Tín Minh Châu là doanh nghiệp có mức giá bán vàng thấp nhất là 69,28 triệu đồng/lượng.
Ngoài vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn ở các thương hiệu vàng cũng có sự chênh lệch nhất định. Cụ thể, giá vàng trang sức 9999 ở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 5,615 - 5,715 triệu đồng/chỉ, Bảo Tín Minh Châu được niêm yết tại 5,569 - 5,714 triệu đồng/chỉ (mua - bán), Bảo Tín Mạnh Hải là 5,564 - 5,709 triệu đồng/chỉ (mua - bán). Nữ trang 9999 ở DOJI là 5,5 - 5,635 triệu đồng/chỉ (mua - bán).
Sơ bộ, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng nhẫn gần 13 triệu đồng/lượng. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước liên tục vênh cao so với thế giới là thị trường vàng ở Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới, tất cả phụ thuộc vào cung cầu của khách hàng.
Vì sao giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), đánh giá trong những ngày qua, giá vàng SJC trong nước biến động rất mạnh, không bị chi phối nhiều bởi giá vàng thế giới. Có những thời điểm giá vàng thế giới chỉ tăng vài chục USD mỗi ounce nhưng giá trong nước lại tăng tới 6 - 7 triệu đồng/lượng. Ngược lại, có thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 2.050 USD/ounce, giá trong nước lại giảm 3 - 4 triệu đồng/lượng, ông Trọng dẫn chứng.
Theo ông, giá vàng miếng trong nước hiện nay không đi cùng nhịp với giá thế giới mà bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư và có yếu tố phòng thủ của các công ty vàng mà lý do là thương hiệu vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền.
Ông Trọng phân tích, người dân có tâm lý mua vàng tích trữ. Do đó, chiến sự giữa Ukraine và Nga xảy ra cũng là một lý do để người dân đi mua vàng. Do nguồn cung vàng miếng hạn chế, quy mô giao dịch cũng không lớn nên các công ty nâng giá lên.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, sự chênh lệch giá cao giữa vàng miếng và vàng nhẫn có nhiều lý do. Còn nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước liên tục vênh cao so với thế giới do thị trường vàng ở Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới.
Theo ông Khánh, trong các giao dịch vàng, người dân có xu hướng thích vàng miếng SJC hơn vì chúng có thể mang đi giao dịch ở khắp các tiệm vàng mà vẫn giữ được giá tốt. Trong khi đó, các loại vàng nhẫn, vàng trang sức mang các thương hiệu riêng thường có tình trạng mất giá nếu mua ở một tiệm và bán ở một tiệm khác.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng giao dịch vàng trong những ngày gần đây vì giá kim loại quý liên tục biến động. Hơn nữa, trước khi mua bán vàng, mọi người cần xem xét kỹ, tránh chạy theo tâm lý đám đông.