Khốc liệt kinh doanh siêu thị điện máy
Do suy thoái kinh tế khiến sức mua sụt giảm, giai đoạn từ năm 2008-2012 được cho là giai đoạn thoái trào của thị trường điện máy sau thời kỳ bùng nổ. Từ năm 2013 đến giữa năm 2015, thị trường điện máy Việt Nam đã phục hồi mạnh trở lại với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%.
Theo báo cáo mới đây nhất từ Công ty nghiên cứu thị trường GFK, trong quý 1/2015, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 36.000 tỷ đồng cho các sản phẩm điện máy, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Hãng này còn đánh giá Việt Nam vẫn là một trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng ngành điện máy nhanh nhất thế giới.
Theo nhận định của một số công ty nghiên cứu thị trường, điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay là mảng phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) còn thấp, chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ, riêng đối với thị trường điện máy, con số này khoảng 38%. Thị trường đầy tiềm năng là động lực cho cuộc đua tranh quyết liệt, ồn ào ra ra vào vào trên thị trường điện máy Việt Nam.
Trong giai đoạn khó khăn, nhiều trung tâm điện máy đã ngã nhào do doanh thu sụt giảm mạnh. Cạnh tranh quyết liệt của thị trường dẫn đến hàng loạt các tên tuổi lớn đều đã ra đi. Từ năm 2013 đến nay khá nhiều siêu thị điện máy tầm cỡ đã ngã gục: Ebest phải đóng cửa hai siêu thị điện máy ở Sài Gòn và Đà Nẵng.
Tháng 9/2013, hệ thống siêu thị điện máy HomeOne, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong đã chính thức rời sân chơi thị trường điện máy. Sau 11 năm hoạt động, đến năm 2013, Việt Long - một trong những thương hiệu siêu thị điện máy lớn bậc nhất tại Hà Nội phải đóng cửa các điểm bán. Đầu năm 2015, TopCare, sau 6 năm hoạt động, đã bất ngờ đóng cửa. Hàng loạt siêu thị điện máy lớn khác cũng thường xuyên chịu lỗ hoặc phải thu hẹp kinh doanh.
Sự kiện gây chấn động giới đầu tư là thông tin Power Buy thuộc tập đoàn Central Group (Thái Lan), mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giái pháp mới (NKT), thành viên của Nguyễn Kim Group-đơn vị đang sở hữu 21 trung tâm điện máy trong nước, đồng thời, đại diện của Power Buy, công ty con của Central Group sẽ giữ chức Tổng giám đốc của Nguyễn Kim.
Giới kinh doanh bán lẻ hàng điện máy có một cú “sốc” nặng, bởi vì Nguyễn Kim đã đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam với mức tăng trưởng từ 30-50% và tham vọng doanh thu năm 2015 sẽ đạt 2 tỷ USD. Thị trường lại tiếp tục xôn xao khi một thương hiệu điện máy đình đám khác tại Hà Nội cũng đang trên đường thương thảo bán lại cổ phần cho đối tác nước ngoài Central Group.
Ăn theo vùng miền?
Một số chuyên gia thị trường nhận định rằng, đặc thù của ngành điện máy Việt Nam là sự phân chia rất rõ theo vùng miền, những tên tuổi điện máy lớn ở phía Bắc thường khó thành công ở phía Nam và ngược lại, các tên tuổi phía Nam cũng rất khó “Bắc tiến”.
Tuy nhiên, bất chấp sự cạnh tranh của thị trường, bất chấp những điều kiện khắt khe của “văn hóa vùng miền”, Điện máy Xanh, một anh em của thegioididong.com của Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động, được coi là tân binh trên thị trường (thành lập năm 2010) lại dám đặt ra những bước đi táo bạo.
Điều khiến Điện máy Xanh được đưa vào “tầm ngắm” bởi tốc độ mở rộng siêu thị cực nhanh và nhiều của tân binh này. Hiện tại, thương hiệu này đang ồ ạt mở ra ở thị trường “đô thị loại 2”, tránh tấn công trực diện vào thị trường thành thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vốn áp lực cạnh tranh đang vô cùng lớn, sức mua có thể coi là bão hòa.
Một đại diện của siêu thị điện máy này khẳng định, trong các tháng kế tiếp sẽ liên tục thực hiện mở rộng, đầu tháng 6 với việc khai trương siêu thị thứ 25 tại Đà Nẵng, đầu tháng 7 với dự kiến khai trương siêu thị thứ 31 tại Cần Thơ, đồng thời mở rộng hệ thống ra khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại các tỉnh thành như: Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Tam Kỳ (Quảng Nam), Phan Rang, Cần Thơ.
Điện máy Xanh sẽ vượt mốc 30 siêu thị vào đầu tháng 7/2015, tổng 70 siêu thị vào năm 2015 và tham vọng trở thành chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất cả nước. Đặc biệt, không ngần ngại để lộ mục tiêu tham chiến toàn quốc, ĐMX đã sẵn sàng cho kế hoạch Bắc tiến vào quý 4 năm nay.
Lý do khiến hệ thống siêu thị này tự tin bành trướng vì quy mô của các siêu thị điện máy đầu tư không quá cồng kềnh, chi phí để mở siêu thị mới không quá lớn. Ngoài ra, với thế mạnh vốn có là dịch vụ chăm sóc khách hàng và chính sách bán hàng hướng đến người tiêu dùng mà thương hiệu người anh em Thế Giới Di Động đã được khẳng định, Điện máy Xanh đang được “theo dõi” từng bước đi và dự báo sẽ là “điểm sáng” của thị trường điện máy trong những năm tới. Điện máy Xanh cũng được kỳ vọng sẽ phá vỡ “lời nguyền” về ranh giới Bắc Nam trong thị trường bán lẻ điện máy.
Sẽ còn sớm để kết luận về sự thành công khi các doanh nghiệp lấn sân sang thị trường không phải thế mạnh của mình. Nhưng rõ ràng, tiềm năng của thị trường này vẫn là hấp lực lớn thôi thúc các doanh nghiệp phải “hao tâm tổn sức” để tiếp cận và phủ sóng tới những nơi mà mình chưa có mặt. Hãy cùng xem những quyết tâm của họ có tạo nên một làn gió mới trong thị trường này hay không.
Nguyễn Hoàng