1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khoảng 80.000 tỷ đồng đã giải ngân hỗ trợ lãi suất

(Dân trí) - NHNN cho biết, đến ngày 20/2, số tiền giải ngân theo chương trình hỗ trợ lãi suất trong toàn hệ thống ngân hàng ước đạt gần 80.000 tỷ đồng. Hiện có gần 10 ngân hàng ký kết với VDB cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn.

Khoảng 80.000 tỷ đồng đã giải ngân hỗ trợ lãi suất - 1
Gói hỗ trợ sẽ kích thích nền kinh tế.
 
Sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng giải ngân
 
Theo tính toán, gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng trị giá 17.000 tỷ đồng thông qua hỗ trợ bù lãi suất sẽ có gần 640.000 tỷ đồng tiền vốn thông qua các ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp trong vòng 8 tháng. Khoảng tiền này, ước tính bằng gần một nửa tổng nhu cầu vốn vay của nền kinh tế.
 
Tính đến ngày 20/2, số tiền giải ngân theo chương trình hỗ trợ lãi suất trong toàn hệ thống ngân hàng đạt gần 80.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) đã giải ngân được 1.425 tỷ đồng trong số 1.937 khách hàng gửi giấy đề nghị hỗ trợ 4% lãi suất cho vay. Dự kiến, ngân hàng này sẽ dành khoảng 24.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) trong năm 2009.
 
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dự kiến trong quý I/2009 sẽ giải ngân từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng cho vay HTLS, tính đến nay đã cho vay được 2.030 tỷ đồng trong số 2.473 hồ sơ của khách hàng gửi đến.
 
Ngân hàng TMCP Phát Triển Nhà TPHCM (HDBank) đã giải ngân được 356 tỷ đồng với kỳ vọng ban đầu là từ 500 - 600 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện đã cho vay 253 tỷ đồng đối với những khách hàng được HTLS.
 
15 chi nhánh trên địa bàn TPHCM và các chi nhánh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã giải ngân được gần 12.000 tỷ đồng cho vay HTLS.
 
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã giải ngân 1.000 tỷ đồng trong tổng số 7.400 tỷ đồng xin được HTLS. Eximbank dự kiến sẽ cho vay HTLS 7.000 tỷ đồng trong quý 1/2009, đã có 1.000 giấy đề nghị đăng ký HTLS và đã giải ngân được 1.200 tỷ đồng…
 
Nhằm đảm bảo cho nguồn vốn, hiện có gần 10 ngân hàng ký kết thoả thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong lĩnh vực cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp đi vay.
 
Sau Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), tuần trước, Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) đã “bắt tay” với VDB bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn.
 
Theo số liệu ban đầu, VIB đã cho vay khoảng 2.000 tỷ đồng theo chương trình cấp bù lãi suất 4%; LienVietBank cũng đăng ký 8.000 - 10.000 tỷ đồng cho vay với các khách hàng thuộc diện cấp bù lãi suất 4%.
 
Ngày 23/2, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VDB bảo lãnh cho những doanh nghiệp và hợp tác xã có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động đều được vay vốn tại ngân hàng này.
 
Dự kiến, nhu cầu tín dụng cho năm 2009 của ngân hàng này khoảng trên 10.000 tỷ đồng, với việc triển khai bảo hỗ trợ vốn vay nhanh nhất cho gần 2.000 doanh nghiệp.
 
Và hôm nay 25/2, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng ký kết bảo lãnh hỗ trợ vốn vay với VDB. Lãnh đạo SHB dự kiến dành 10.000 tỷ đồng giải ngân cho gói hỗ trợ 4% lãi suất cho vay của Chính phủ, với lãi suất vay vốn có thể ở mức 2%/năm.
 
Về phía VDB, ngân hàng này cho biết, sẽ không khống chế hạn mức bảo lãnh nhưng phải căn cứ vào phương án sản xuất khả thi của từng doanh nghiệp.
 
Khách hàng vi phạm có thể bị khiếu nại
 
Đầu tuần này, Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã chủ trì cuộc họp giao ban với các hội sở chính và khoảng 40 chi nhánh cấp 1 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM, để nghe báo cáo kết quả, giám sát và tháo gỡ vướng mắc sau 20 ngày triển khai HTLS.
 
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay, mục đích cuối cùng của chính sách này là góp phần giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm.
 
Nếu cán bộ ngân hàng nào bị phát hiện tiếp tay cho doanh nghiệp để trục lợi, coi như tự đào thải khỏi ngành ngân hàng. Trong bất cứ tình huống nào NHTM cũng không được nới lỏng điều kiện vay.
 
Tại cuộc giao ban, hàng loạt các vấn đề, thắc mắc xung quanh cơ chế hỗ trợ lãi suất được các NHTM đưa ra thảo luận.
 
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, Vụ Chính sách tiền tệ là nơi trực tiếp tiếp nhận các văn bản thắc mắc về triển khai Quyết định 131. Thời gian giải quyết tối đa là 5 ngày làm việc, nếu không liên quan đến các bộ, ngành khác và sẽ tiến tới nhanh chóng hơn.
 
Trường hợp người vay và người trả nợ khác nhau thì không được HTLS, trừ uỷ quyền từ đầu. Nếu khách hàng có nhiều hợp đồng vay được HTLS thì ngân hàng vẫn phải hỗ trợ cho từng hợp đồng.
 
Khi phát hiện khách hàng sử dụng sai mục đích thì sẽ xử lý nghiêm theo từng trường hợp, từng hợp đồng cụ thể, có thể khiếu nại khách hàng đã vi phạm...
 
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng nhận định, vướng mắc nhiều nhất triển khi khai Quyết định 131 là thủ tục trước, trong và sau khi cho vay. Triển khai Quyết định 131 cũng theo cơ chế tín dụng thông thường; nhưng cần theo dõi cẩn thận hơn, không nên vì cơ chế này mà sinh ra nhiều thủ tục phiền hà cho khách hàng.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm