Khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể năm 2012

(Dân trí) - Trong năm nay có khoảng 65.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trừ đi số phá sản sẽ có khoảng 10.000 tăng thêm. Tuy nhiên, số tăng thêm bao gồm cả những doanh nghiệp đã "chết" đăng ký lại để tiếp cận vốn vay.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 11/12/2012 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo đến hết năm nay sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể.

Tuy nhiên, bù lại, sẽ có 65.000 doanh nghiệp thành lập mới, và theo cái nhìn tích cực, lạc quan thì vẫn còn 10.000 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế.

Khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể năm 2012
Doanh nghiệp phá sản để lại nhiều hệ lụy từ thất nghiệp đến thất thu ngân sách trong khi DN mới thành lập chưa tạo được lợi ích ngay cho xã hội.

Cung cấp cụ thể hơn về con số thực tế thời gian từ đầu năm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, tính đến ngày 30/11/2012, cả nước đã có 65.091 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 418.853 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể là 48.473 doanh nghiệp, trong đó 39.936 doanh nghiệp dừng hoạt động và 8.537 doanh nghiệp đã giải thể. Số doanh nghiệp giải thể tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.

Thực tế, môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn, những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế chung của toàn cầu tác động đến tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Tại Nhật Bản và Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp rời thị trường hàng năm khoảng 11-15%. Theo nhận xét của ông Bùi Anh Tuấn thì con số gần 48.500 doanh nghiệp giải thể ở Việt Nam cũng nằm trong khoảng này, tuy cao hơn các năm nhưng không nên quá bi quan.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng lưu ý, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm dần qua từng quý so với năm trước và có sự dịch chuyển từ những ngành đang gặp khó khăn như bất động sản, xây dựng, tài chính sang giao dịch, y tế, văn hóa, du lịch.

Sự chuyển dịch này theo ông Tuấn là phù hợp, từ những lĩnh vực mang tính thời điểm, phụ vụ nhu cầu nhất thời sang các lĩnh vực mang tính bền vững và lâu dài hơn.

10.000 doanh nghiệp tăng thêm: "Bình mới rượu cũ"

Tham gia tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế góp ý, dù không nên bi quan nhưng phải nhìn thẳng vào tình hình thực tế là doanh nghiệp đang rất khó khăn, không nên "tô hồng" hiện thực.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, "sức khỏe" của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay đang không có thông tin chính xác. Bằng chứng là số liệu cập nhật bất nhất ở các tổ chức cung cấp và con số thống kê công khai là lạc quan hơn thực tế.

Ở đây ông Kiêm phân tích, trong 10.000 doanh nghiệp tăng lên bao gồm cả những doanh nghiệp đã "chết" nhưng chuyển sang đăng ký thành lập mới để "sống" lại nhằm vay vốn, trên thực tế là "bình mới rượu cũ" chứ không phải doanh nghiệp hoàn toàn mới.

Vấn đề này từng được Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Đặng Đức Dũng đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF) vừa rồi.

Ông Dũng chỉ ra rằng, hiện tại đang có tình trạng những doanh nghiệp gánh nợ xấu cao và nằm trong "danh sách đen" của ngân hàng, không thể vay tiếp thì các chủ doanh nghiệp lách bằng cách thành lập những doanh nghiệp khác để vay mới.

Do vậy, trong số hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới hiện nay phải xem xét và có những đánh giá chính xác, liệu đó có phải là những doanh nghiệp hoàn toàn mới hay không hay là những doanh nghiệp thuộc chủ cũ, đang sở hữu doanh nghiệp có nợ xấu.

"Bộ máy hành chính đang vô cảm với sự khó khăn của doanh nghiệp"

Trong khi chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh xoáy vào câu hỏi "Nếu nói rằng quy luật như hiện nay là bình thường thì phải xem lại, quy luật nào lại ảm đạm như thế này?", chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá, thực tế những doanh nghiệp thành lập mới mới chỉ mang tính hình thức, chưa tạo được lợi ích ngay cho xã hội.

Việc doanh nghiệp "chết", rời bỏ thị trường sẽ tạo ra những hệ lụy bao gồm thất nghiệp, thất thu thuế cho nhà nước và nếu không có giải pháp tháo gỡ, thì những doanh nghiệp chưa ngừng hoạt động cũng trở thành "đội quân dự bị" cho số doanh nghiệp giải thể năm sau.

Dưới cái nhìn của luật gia, ông Vũ Xuân Tiền, Giám đốc công ty tư vấn VFAM lại đi ngược lại quan điểm cho rằng bối cảnh hiện tại là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp. Ông Tiền cho rằng, tình trạng khó khăn hiện tại của doanh nghiệp là do một số bất cập từ chính sách.

Sự bất cập biểu hiện qua việc buộc những doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, có thêm cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thì phải lập dự án, đăng ký lại; quy định không cho thuê chung cư làm văn phòng; kể cả giải thể cũng vấp thủ tục rườm rà, tạo điều kiện cho tham nhũng...

Vị luật gia tỏ ra bức xúc: "Bộ máy hành chính đang vô cảm với sự khó khăn của doanh nghiệp". Ý kiến này gặp gỡ với quan điểm của chuyên gia độc lập Vũ Đình Ánh, cho rằng, các chính sách dường như đang tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý chứ không phải để hỗ trợ doanh nghiệp, và cần có thay đổi quy trình.

Tất nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận, với nguồn lực có hạn thì việc cứu doanh nghiệp phải có sự xem xét và chọn lọc, "cứu ai, cứu như thế nào", bởi nếu cứu sai đối tượng là một việc làm lãng phí.

TS Nguyễn Đại Lai cho rằng, một nửa số dư nợ tại ngân hàng là từ các doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chiếm tới 97% nền kinh tế và đang gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay. Sự phân phối xã hội đang gặp vấn đề.

Nếu phần vốn cứu doanh nghiệp nhà nước được dành ra một phần sẽ cứu được hàng vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chưa kể, theo TS Trần Đình Thiên, khó khăn doanh nghiệp hiện tại còn do bị nhà nước nợ và không có tiền trả ngân hàng.

"Doanh nghiệp nợ ngân hàng, nhưng Nhà nước có nợ doanh nghiệp không? Theo báo cáo thẩm tra của Quốc hội mới đây, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố lên tới hơn 91.000 tỷ đồng. Nếu khoản nợ này không được trả, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ "chết" và có thể nói là chết oan" - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Trước đó, ông Đặng Đức Dũng cũng từng khẳng định, công nợ lớn và không thu hồi được thậm chí nguy hiểm hơn tồn kho cao. Ở đây, số nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng còn có thể thống kê được, còn số nợ xấu mà doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, các công trình nhà nước còn nợ doanh nghiệp thì rất khó thống kê.

Bích Diệp