“Doanh nghiệp xin giải thể, ngân hàng cũng đành chịu”
(Dân trí) - NHNN khẳng định phía ngân hàng nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế và gắn với sức khỏe của ngân hàng. Song với những trường hợp làm ăn yếu kém, phải xin ngừng hoạt động, ngân hàng không thể cứu.
Họp giao ban quý I Bộ KHĐT sáng 28/3 (ảnh: B.D).
Cuộc họp giao ban quý I/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) sáng nay (28/3) trở nên trầm lắng và bao phủ bầu không khí nặng nề hơn khi những vấn đề và kiến nghị đưa ra chủ yếu xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại các địa phương.
Số liệu đáng chú ý được ông Lâm Nguyên Khôi - Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM đưa ra là tính đến này 19/3, trên địa bàn đã có tới 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để giải thể tại Cục Thuế thành phố, trong đó 526 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở KHĐT, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, có 5.012 doanh nghiệp đã gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế thành phố nhưng chỉ có 462 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở KHĐT, tăng gấp 4,6 lần so cùng kỳ.
Cụ thể, theo báo cáo của ông Khối, số doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể, phá sản là 1.725 doanh nghiệp; số bỏ trốn và mất tích là 1.198 doanh nghiệp; số chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp là 463 doanh nghiệp; ngưng hoạt động chưa rõ lý do là 490 doanh nghiệp và tạm ngưng có thời hạn là 1.136 doanh nghiệp.
Nhìn chung, các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải và du lịch.
Tại cuộc họp này, Bộ KHĐT không công bố số liệu doanh nghiệp phá sản, xin ngừng hoạt động nhưng trước đó, theo tài liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), phát đi trong cuộc họp tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/3/2012, cả nước đã có trên 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.
Ở các địa phương khác, đại diện các Sở KHĐT cũng lần lượt trình bày về những “bí bách” khi giải bài toán “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, cầu tiêu dùng giảm, hàng tồn kho của doanh nghiệp không ngừng chồng chất, không thể bán kịp để trả lãi vay ngân hàng. Từ đó, ngân hàng cũng trở nên e ngại và hạn chế cho vay với những đối tượng này. Vô hình chung, khó khăn “gối đầu” khó khăn tiếp diễn.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bùi Hà cũng phản ánh, thực tế lạm phát và kinh tế vĩ mô tháng 3 có chuyển biến, nhưng chưa vững chắc. Lãi suất vẫn còn cao, ít doanh nghiệp có khả năng vay được mà có lãi. Ông đề nghị, phía ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất vào thời gian tới để tạo lòng tin cho thị trường.
Doanh nghiệp phải tự nhìn lại
Đáp lại, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đỗ Thị Nhung khẳng định, NHNN nhận thức được cái khó của doanh nghiệp cũng như tính chất đồng hành của hai phía. Khi doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới khỏe mạnh.
Vì vậy, trong thời gian vừa qua, một loạt các chính sách lãi suất và trần lãi suất đã được điều chỉnh giảm 1%. Lộ trình đến cuối năm, nếu lạm phát có xu hướng giảm và kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, thanh khoản của các ngân hàng tốt thì NHNN sẽ giảm mỗi quý 1% lãi suất huy động và mục tiêu đến cuối năm thì lãi suất huy động sẽ xoay quanh 10-11%. Cộng với mức chênh lệch 3-4% thì theo vị đại diện này, lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng.
Về ý kiến của các sở KHĐT, đề xuất phía ngân hàng cho giãn nợ và tạo điều kiện cho vay mới, bà Nhung cho biết, hiện đã có quy chế và điều này thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại. “Tự các ngân hàng sẽ đánh giá được khoản vay nào là do nguyên nhân khách quan, khoản vay nào do vấn đề nội tại của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, bà Nhung cũng lưu ý rằng, tình trạng khó tiếp cận vốn ngân hàng cũng có phần nguyên nhân từ bản thân doanh nghiệp. “Số lượng doanh nghiệp hoạt động yếu kém, phải xin ngừng hoạt động và khóa mã số thuế thời gian qua tăng nhanh. Và với những đối tượng như thế này, ngân hàng cũng không thể nào cho vay được” - đại diện NHNN trần tình.
Tuy nhiên, vị này cho biết, NHNN và các cơ quan hữu quan “đang tích cực thực hiện các bước theo lộ trình mà Thống đốc trước đó đã thông báo” để góp phần giải quyết được khó khăn chung của nền kinh tế.
Bích Diệp