Khó xác định nguồn gốc sừng tê giác của ông Trầm Bê?

Chiều 6/10, ông Đỗ Quang Tung, Phó giám đốc Phụ trách Cites Việt Nam cho biết, hiện Cites chưa nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng về việc xác định tính hợp pháp liên quan tiêu bản tê giác của ông Trầm Bê.

 
Con tê giác mất sừng ở nhà ông Trầm Bê. Ảnh: Thanh niên.

Con tê giác mất sừng ở nhà ông Trầm Bê. Ảnh: Thanh niên.

Theo ông Tùng, qua kiểm tra, trong số hơn 100 giấy phép được cấp nhập khẩu tê giác từ 2004 lại đây, ông Trầm Bê không có tên trong số người đứng ra nhập khẩu.

Thủ tục trưng bày hợp pháp tê giác cần đảm bảo nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là nguồn gốc con tê giác, các giấy tờ hợp pháp của nước sở tại, được Cơ quan Cites công nhận… mới được nhập.

“Đối với tê giác, có hai quần thể ở Nam Phi vẫn được cho phép săn bắn với mục đích làm mẫu vật. Hàng năm ở nước này cấp phép cho săn bắn làm mẫu vật với số lượng nhất định, gọi là mẫu vật chiến lợi phẩm săn bắn. Đối với trường hợp này, được trưng bày hợp pháp thoải mái. Ngoài trường hợp trên là bất hợp pháp, có thể bị xử phạt hoặc xử lý hình sự” - ông Tùng nói.

Đối với con tê giác mà ông Trầm Bê báo công an là mất trộm sừng, lãnh đạo Cơ quan Cites Việt Nam (Cơ quan Quản lý thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), cho biết, hiện Cites cũng chưa nhận được yêu cầu xác minh tính hợp pháp của con tê giác trong vụ việc trên, nên không thể khẳng định con tê giác đó có được Cites cấp phép hay không.

Riêng về bộ hồ sơ nhập khẩu con tê giác mà ông Trầm Bê cung cấp trên báo chí, Cites cũng chưa nhận được, nên chưa thể đánh giá.

Theo lãnh đạo Cites Việt Nam, mỗi mẫu vật tê giác đều được gắn mã số chip, nên muốn xác định tính hợp pháp hay không, chỉ cần rà chip, xác minh mã số chip sẽ biết được lai lịch.

Tuy nhiên, hiện sừng con tê giác đó bị mất (chip gắn ở sừng), thì rất khó xác minh, vì thế cũng khó xác định có vi phạm pháp luật hay không của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trao đổi với Tiền Phong, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết, tê giác thuộc nhóm IB, Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Đây là động vật cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tê giác cũng nằm trong sách đỏ Việt Nam về thế giới.

Theo GS Huỳnh, hiện tê giác Java ở Việt Nam đã tuyệt chủng, còn sừng tê giác ở nước ta với mức độ khá nhiều chủ yếu nhập về từ châu Phi. Tuy nhiên, ông Huỳnh cho rằng: “Việt Nam chỉ là nơi quá cảnh, để sừng tê giác được xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông”.

Trước đó, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đã có công văn gửi Công an huyện Trà Cú (Trà Vinh) và Công an tỉnh Trà Vinh, đề nghị “xác nhận về tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác trong vụ truy tìm, trước khi chúng tôi trả lời một số cơ quan báo chí có quan tâm”.

Theo Phạm Anh
Tiền Phong