Khó kiểm soát đảo nợ bằng vốn hỗ trợ lãi suất

“Cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất 4%/năm chưa rõ ràng nên không ít doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với các ngân hàng thương mại vẫn vay được để đảo nợ”.

Khó kiểm soát đảo nợ bằng vốn hỗ trợ lãi suất - 1
Nguồn vốn hỗ trợ chưa thực sự đến tay doanh nghiệp cần (ảnh: Việt Hưng).
 
Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Trường Thành đã phát biểu như vậy tại Hội nghị đánh giá triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động xuất khẩu năm 2009 vừa được tổ chức tại TPHCM.

Theo ông Thành, chỉ các doanh nghiệp (DN) có hợp đồng vay mới, mới được hỗ trợ lãi suất, trong khi hầu hết DN đang trong tình trạng có nợ cũ với lãi suất vay 16 - 17%/năm, hàng hóa không bán được nên chưa thể trả nợ cũ để được vay mới.

Chưa hết, tại hội nghị này rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này phản ánh, họ chưa “chạm tay” được tới gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ.

Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thanh, đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho vay hỗ trợ lãi suất 4%/năm phải xem xét thêm yếu tố ngành hàng, ngoài ra nên cho các DN vay vốn với lãi suất này để đảo nợ.

“Đa số hội viên của Hiệp hội Điều không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm, vì các DN đã nợ ngân hàng nhiều với các món vay lớn nên bây giờ không còn tài sản để thế chấp và cũng không vay ở đâu được để trả nợ cũ” - ông Thanh cho biết.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho rằng, vấn đề giải ngân cho vay với lãi suất hỗ trợ 4%/năm của Nhà nước rất chậm và khó khăn cho DN nhỏ và vừa, vì điều kiện cho vay vẫn hết sức chặt, đặc biệt là phải có tài sản thế chấp.

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Tín dụng, NHNN khẳng định: cho vay bù lãi suất không đồng nghĩa với nới rộng điều kiện cho vay. Vì nếu nới lỏng, khoản cho vay sẽ không hiệu quả, đồng thời đẩy áp lực lạm phát tăng lên.

Khi xét duyệt, ngân hàng vẫn xét duyệt và thực hiện như cơ chế thông thường, chỉ khác là DN được hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Còn việc ngân hàng và DN dựa trên quan hệ quen biết để bắt tay cho vay đảo nợ, đại diện NHNN khẳng định là không có việc này, nếu có, DN có thể thông báo trực tiếp cho đường dây nóng của NHNN.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện một ngân hàng thương mại quốc doanh thừa nhận, các ngân hàng khó có thể kiểm soát được hết việc đảo nợ. Dù ngân hàng không chấp nhận cho DN vay để đảo nợ, nhưng DN vẫn có thể “lách” bằng cách làm các dự án và hồ sơ khác để vay.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - người được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao trách nhiệm gặp DN để ghi nhận tình hình triển khai gói kích cầu cho rằng, yêu cầu đảo nợ là một thực tế vì ông cũng đã nghe một số DN tại Hà Nội phản ánh về vấn đề này.

Và thực tế, hoạt động này đang âm thầm diễn ra bằng nhiều kiểu, nhiều cách.

“Vậy có nên cho DN vay món tiền mới để trả nợ cũ và tiếp tục vay hay không? Nếu được thì chúng ta nên công khai việc này để tránh phát sinh tiêu cực”, ông Tuyển nói và cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng về tình hình nhiều DN muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay để giải quyết nợ cũ.

Theo Gia Linh
Đầu tư Chứng khoán