Khó khăn vây doanh nghiệp: "Khát" lao động, đuối với xét nghiệm Covid-19
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi tái sản xuất, không những thế, chi phí xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần cũng khiến doanh nghiệp đau đầu.
Doanh nghiệp thiếu hụt lao động
Bà Hoàng Dương, chủ doanh nghiệp sản xuất sữa hạt tại quận Long Biên (Hà Nội) - cho biết hiện cơ sở chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu nhân công. Hằng ngày, sữa được giao cho các đại lý, siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội, do đó cần đội ngũ shipper (người giao hàng) hoạt động. Trong khi hiện nay, các lao động ở tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đa phần chưa được tiêm vắc xin nên vẫn chưa thể trở lại làm việc.
"Hà Nội yêu cầu các shipper phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin và xét nghiệm thường xuyên, do đó nếu đưa được lao động về đây làm việc cần có nơi đăng ký tiêm ưu tiên cho lực lượng này", bà Dương đề xuất.
Chủ đầu tư một dự án tại quận Đống Đa cho biết, thời gian qua đơn vị thực hiện "3 tại chỗ" tại công trường với 30% số lượng công nhân. Tuy nhiên, nếu tiếp tục xây dựng theo hình thức này dự án sẽ phải lùi tiến độ bàn giao. Trước đó, dự án này đã đàm phán với khách hàng để lùi thời hạn bàn giao lần một.
"Hiện nay việc đưa các công nhân về Hà Nội rất khó vì không có xe khách liên tỉnh. Khó khăn trong việc lấy xác nhận địa phương tại nơi họ đang lưu trú", vị này cho hay.
Doanh nghiệp "đuối" với xét nghiệm
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Chu Tiến Dũng nêu nhiều khó khăn của doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là chi phí xét nghiệm. Ông Dũng nhấn mạnh TPHCM cần xem xét lại vấn đề này, vì nếu không "xét nghiệm thành tảng đá đè chết doanh nghiệp".
Theo ông, việc xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày, 7 ngày với toàn bộ người lao động tạo ra gánh nặng chi phí quá lớn. Chủ tịch HUBA nhấn mạnh xét nghiệm cần có trọng tâm, đúng đối tượng, thay vì làm đồng loạt khiến doanh nghiệp không chịu nổi.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans kiêm Phó chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM, cũng mong muốn thành phố sớm ban hành hướng dẫn xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm do doanh nghiệp tự thực hiện.
Ông Việt đồng thời nhấn mạnh Nhà nước cần có giải pháp bình ổn giá xét nghiệm vì đây đang là khoản chi phí rất lớn với doanh nghiệp. Trong khi đó, giá xét nghiệm trên thị trường liên tục thay đổi, nay một giá, mai một giá.
Chủ phòng gym, giám đốc spa gánh nợ tiền tỷ
Anh Phan Hòa vừa là huấn luyện viên vừa là chủ một phòng gym nhỏ trong khu chung cư ở quận 7, TPHCM, đang vật vã vì dịch bệnh.
"Đã gần 5 tháng không hoạt động, không có thu nhập nhưng vẫn trả chi phí khiến tôi phải vay nợ để trang trải. Gần đây, được chủ đầu tư giảm cho 50% tiền thuê mặt bằng, tôi cũng trả phòng trọ đến đây ở tạm cho đỡ tốn kém", anh Hòa nói và bi quan không biết sẽ gắng gượng được đến bao giờ. Bởi nếu thành phố cho mở lại các hoạt động thì loại hình dịch vụ này cũng bị xếp hàng cuối cùng.
Chị Thanh Hương, chủ hai spa có tiếng ở Hà Nội, tâm sự: "Tôi từng giữ vững doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng, quản lý 40 nhân viên nhưng con số này bằng 0 từ 4 tháng nay".
Trước mắt, để giải quyết tình hình, thay bằng dịch vụ chăm sóc da tại spa thì chị Hương chuyển sang kinh doanh sản phẩm chăm sóc da tại nhà cho khách, nhưng gần 2 tháng nay cũng bị cấm nốt. Cách duy nhất để tồn tại là chị Hương đẩy mạnh quảng cáo để bán sản phẩm của spa cũng như nhập thêm sản phẩm chất lượng để bán. Tuy doanh thu không thể như trước, nhưng khi dịch bệnh còn căng thẳng thì đây là hướng khả thi.
Người nuôi lợn kêu trời vì lỗ vốn
Ông Bắc - chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Sơn La - cho biết, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, một lứa lợn xuất chuồng ông chỉ cân bán trong 2 ngày là xong, nay kéo dài tới 4-5 ngày. Chưa kể, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá thịt lợn giảm mạnh. Cuối tháng 8, giá lợn xuất chuồng ở mức 51.000-52.000 đồng/kg, hiện giảm còn 42.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh, thành ra những người chăn nuôi lợn như ông Bắc đang chịu cảnh thua lỗ nặng.
"Như trang trại lợn nhà tôi có hơn 1.000 con lợn nái, tức chủ động được hoàn toàn con giống, vậy mà với giá lợn hiện tại, xuất bán mỗi con lợn tôi vẫn lỗ 1,5-1,8 triệu đồng", ông nói. Tháng 8, ông Bắc lỗ khoảng 1 tỷ, còn từ đầu tháng 9 tới nay lỗ khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, chủ một trang trại lợn quy mô cả ngàn con ở Khoái Châu (Hưng Yên), cũng như ngồi trên đống lửa. Đàn lợn trong chuồng nhà ông đã đạt trọng lượng 110 kg/con, sắp đến kỳ xuất chuồng, nhưng giá lợn hơi giảm còn 47.000-48.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi lỗ từ 1-2 triệu đồng/con lợn khi xuất bán.
Ông cho hay, để có lợn xuất bán thời điểm này, người chăn nuôi phải vào đàn cách đây 4 tháng. Giá lợn giống khi ấy khoảng 2,7-2,8 triệu đồng/con lợn 7 kg. Trong khi, gần một năm nay, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng dựng ngược. Một con lợn nuôi đến ngày xuất chuồng, tiền thức ăn đội lên thêm khoảng trên 1 triệu đồng. Cộng chi phí điện, nước, thuốc phun sát trùng hàng ngày, nhân công,... giá thành sản xuất tăng lên 55.000-60.000 đồng/kg.