Khó ăn chênh lệch, ngân hàng tù mù triển vọng kiếm lời năm 2014

(Dân trí) - Giữa bối cảnh doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, xu hướng lãi suất giảm, chi phí vốn không nhiều dư địa để hạ thêm, triển vọng thu nhập từ lãi của ngành ngân hàng đang rất tù mù, chưa kể, áp lực từ Thông tư 02 có thể khiến nợ xấu gia tăng.

Xung quanh những vấn đề "nóng" liên quan đến lĩnh vực ngân hàng như lãi suất, nợ xấu, triển vọng lợi nhuận các nhà băng trong năm 2014, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi riêng với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Là người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông, trong điều kiện “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay, cầu tín dụng thấp, thì thu nhập lãi của các ngân hàng liệu có tăng trong năm 2014?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thu nhập từ lãi luôn là nguồn thu nhập lớn nhất của ngân hàng, có những ngân hàng, thu nhập lãi chiếm tỉ trọng trên 90%. Cũng có những ngân hàng, khoản này chỉ góp vào 60% mà thôi, nhưng nói chung, thu nhập từ lãi vẫn đóng vai trò là cột trụ chính trong thu nhập các ngân hàng.

Năm nay nếu tăng trưởng tín dụng tốt hơn năm ngoái thì sẽ hỗ trợ dồi dào cho nguồn thu nhập từ lãi. Nhưng với tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì thu nhập từ lãi có lẽ cũng gặp nhiều khó khăn để vượt qua được mức như năm ngoái.

Một đằng nữa, biên độ lợi nhuận có thể sẽ phải thu hẹp vì lãi suất đầu ra sẽ có thể thấp hơn, trong khi chi phí vốn cũng chưa có dấu hiệu thay đổi nhiều.

Năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để kéo xuống, nên chi phí vốn có thể giữ như năm ngoái, trong khi lãi suất đầu ra có thể giảm. Từ đó khiến biên độ lợi nhuận nguy cơ sụt giảm và thu nhập từ lãi cho vay có thể còn khó khăn hơn năm ngoái, chưa kể phải trích lập dự phòng rủi ro.

Lãi suất cho vay không bị ràng buộc trên bề mặt chính sách pháp luật, liệu các ngân hàng có thể tự điều chỉnh nâng lãi suất để cải thiện tình hình?

Dĩ nhiên, lãi suất cho vay tùy vào quyết định của các ngân hàng thương mại, NHNN không điều chỉnh. Nếu cho vay được càng cao càng tốt, thế nhưng trong cạnh tranh thị trường có phải cứ muốn cho vay với lãi suất cao là làm được đâu.

Trước hết, ngân hàng phải chọn khách hàng tốt mới cho vay, mà những khách hàng tốt thì các ngân hàng đều cạnh tranh để giành lấy, ai cũng muốn người đi vay của mình có khả năng trả nợ , có sức khỏe tài chính tốt. Khách hàng cũng sẽ tìm đến những ngân hàng có lãi suất cho vay thấp nhất. 

Chính vì sự cạnh tranh đó mà ngân hàng không thể cứ thích đẩy lãi suất lên cao bao nhiêu thì đẩy, trừ trường hợp ngân hàng chấp nhận những khách hàng rất rủi ro, đồng nghĩa nợ xấu cũng đã đứng trước cửa nhà. Thành ra, lãi suất đầu ra bị khống chế chính bởi tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong năm vừa rồi, trong kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng biến động nằm ở mảng kinh doanh ngoại hối. Theo ông, trong 2014 này, hoạt động kinh doanh ngoại hối có còn tạo ra những đột biến và gây biến động đến lợi nhuận các ngân hàng nữa không?

Trong năm nay các ngân hàng không còn được kinh doanh vàng nữa. Họ không được huy động vàng và cũng không được cho vay vàng, họ chỉ có thể giữ hộ vàng và thu phí dịch vụ mà thôi. Những ngân hàng có cơ sở hạ tầng tốt, có thể thu giữ vàng từ dân chúng cao thì có thể tăng được phí, nhưng sẽ không được như trước là huy động, cho vay vàng và ăn chênh lệch.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể mua và bán ra. Song chênh lệch giữa giá mua và giá bán có thể gây thiệt hại cho ngân hàng. 

Như vậy, với diễn biến giá vàng như thời gian gần đây, các ngân hàng khó có thể kiếm lời từ mảng kinh doanh này?

Đúng vậy, giá vàng đang trong xu hướng thuyên giảm và nhiều khả năng kinh doanh vàng trong năm nay không phải là kênh kinh doanh hấp dẫn cho các ngân hàng.

Mối lo từ nợ có khả năng mất vốn lớn

Mối lo từ nợ có khả năng mất vốn lớn

Một mối quan tâm lớn của các ngân hàng trong giai đoạn này là tiến độ áp Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014. Theo ông, ảnh hưởng của Thông tư 02 đối với triển vọng lợi nhuận các ngân hàng năm nay sẽ ra sao?

Trong năm nay, nếu Thông tư 02 đi vào cuộc sống thì sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn. Tôi chắc là Thông tư 02 sẽ được thực hiện theo nhiều bước chứ không phải ngay một lúc thi hành tất cả những điều khoản trong đó. 

Nếu một số tiêu chí của Thông tư 02 được áp dụng từng phần vào từng giai đoạn cụ thể có thể nợ xấu sẽ không bị nhảy vọt lệ và qua đó, việc trích lập dự phòng rủi ro cũng được phân bổ và giảm tác động tiêu cực lên lợi nhuận của ngân hàng.

Còn nếu lộ trình đó ngắn và các ngân hàng phải thi hành tất cả các điều khoản của Thông tư 02 trong năm 2014 này thì chắc chắn nợ xấu sẽ bung ra và chi phí trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng lên rất cao và ăn mòn lợi nhuận các ngân hàng.

Gần đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s có công bố tỷ lệ nợ xấu Việt Nam ít nhất cũng phải 15% tổng tài sản, trong khi số liệu chính thức đến cuối tháng 12/2013 đã giảm mạnh so với trước đó, chỉ chiếm 3,63% tổng dư nợ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Hiện tại tỉ lệ nợ xấu mà NHNN công bố chính thức là tỷ lệ nợ xấu được xem như chuẩn nhất, vì đó là số liệu của NHTW. Nhưng ngoài con số được NHTW công bố chính thức như thế thì mọi người cũng biết rằng tỷ lệ như thế được cho là thấp vì một số nợ đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780. Trong số nợ cơ cấu lại thì có rất nhiều là nợ không được phục hồi, tức là được chuyển sang nhóm nợ bình thường hoặc tốt hơn nhưng trên thực tế vẫn là nợ xấu.

Nếu cộng lại khoản nợ được tái cơ cấu thì tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn con số công bố chính thức, cao hơn bao nhiêu còn tùy, trong đó có con số 15% của Moody’s. Tôi muốn lưu ý là con số 15% của Moody’s cũng chỉ dựa trên những giả định mà thôi chứ thật sự họ không có những số liệu dựa trên cơ sở thanh tra, giám sát các ngân hàng để có thể có được những con số chính xác. Đó là một trong nhiều số liệu phỏng đoán.

Có một điều là không chắc là tỷ lệ 15% đã là tỷ lệ cao nhất. Còn phải xét đến các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC mà vẫn còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, bởi VAMC cũng là một thành phần của hệ thống. Cộng cả nợ xấu cũ, nợ mới phát sinh và nợ đã tái cơ cấu thì con số đó có thể cao hơn 15%.

Thế nhưng, tất cả những con số ngoài con số chính thức của NHTW đều chỉ là những dự báo mà thôi.

(Mới đây, trong phản hồi của NHNN, cơ quan này cho biết, nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9% - PV).

Tức là một số ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh trong thời gian vừa qua một phần nhờ đã bán nợ cho VAMC?

Có hai nguyên nhận, một phần do họ bán nợ cho VAMC và một phần nữa do họ tái cơ cấu lại nợ theo QĐ 780.

Quan sát Báo cáo tài chính của các NHTM có thể thấy, một số ngân hàng tổng nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu giảm nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

Điều này có lẽ mang tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Như bạn biết, nợ nhóm 5 giống như một cái phễu để hứng tất cả nợ xấu tồn đọng. Từ nợ cần chú ý nhóm 2, rồi xuống nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5.

Nếu ở nước ngoài, theo nguyên tắc thì khi nợ nhảy nhóm như vậy, đến nhóm 4 họ đã bắt đầu xử lý một cách mạnh mẽ và có thể thu hồi nợ, bán tài sản, không phải đợi đến khi nhảy đến nhóm 5. Họ cũng có thể xóa nợ trong thời gian đó. Trong khi ở Việt Nam thì bắt buộc phải cho xuống nhóm 5 mới xử lý, nhưng xử lý lại không được.

Chẳng hạn như bán tài sản thì phải ra tòa án, có những phán quyết phải kéo dài đến hàng năm, ngay cả khi tòa án có phán quyết rồi thì vấn đề thanh lý tài sản cũng không phải dễ dàng, vấn đề thi hành án gặp khó khăn.

Thành ra, rất nhiều nợ xấu đọng lại ở nhóm 5. Nhóm 5 là cái phễu để hứng tất cả nợ xấu, chính vì thế, nhóm 5 thường là nhóm có tổng số nợ xấu lớn nhất và phình to ra nhất. Nước ngoài thì nhóm 5 lại thường là nhóm nhỏ nhất. 

Nếu đã là vấn đề đặc thù của một hệ thống thì các ngân hàng muốn khắc phục liệu có thể khắc phục được hay không thưa ông?

Dĩ nhiên họ có thể khắc phục được. Có hai cách để giải quyết nợ có khả năng mất vốn: Một là thanh lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, phần còn lại không thu hồi được thì coi như chấp nhận mất vốn.

Thứ hai là xóa nợ. Hiện tại, nhiều trường hợp, nợ không thể thu hồi được nữa, như người đi vay đã qua đời, công ty đã phá sản hay mất tích trên thị trường, nợ đó vẫn chưa được xóa, vẫn trên sổ sách. Như vậy, phải thanh lý tài sản và ghi nhận sự thiệt hại nếu không thu hồi được, cuối cùng là xóa nợ.

Ở Việt Nam, quy trình xóa nợ rất phức tạp trong khi việc xóa nợ tại các nước tiên tiến như Mỹ lại rất dễ dàng và bình thường. 

Một con nợ khi không có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ có biện pháp xóa nợ, lưu ý là chỉ xóa trên sổ sách chứ không tha nợ mà vẫn có quyền đòi nợ vĩnh viễn. Họ xóa nợ trên sổ sách, triệt tiêu trên sổ sách, ghi nhận sự thiệt hại và đem ra ngoại bảng.

Ví dụ một món nợ 10 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 5 tỷ đồng, còn 5 tỷ đồng được xóa và đem ra ngoại bảng, theo dõi, tiếp tục thu hồi bằng nhiều cách.

Cụ thể ở Việt Nam, khó khăn trong khâu xóa nợ như thế nào thưa ông?

Ở Việt Nam để xóa nợ phải có rất nhiều chứng minh là không còn có khả năng thu hồi nữa, phải qua nhiều quy trình khó khăn để có thể đem nợ ra ngoại bảng.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp thực hiện
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước