Ngân hàng nhìn đống tiền thừa mà run
Những ngày sau Tết Nguyên đán, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh trong khi nhu cầu vay vốn giảm khiến nhiều ngân hàng “run rẩy” với lượng tiền thừa.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng âm 0,5% trong tháng 1/2014 và dự báo cũng tăng yếu trong tháng 2 càng khiến số tiền mặt của các ngân hàng thêm ế ẩm. Chính vì thế, không ít ngân hàng đang đau đầu với tiền dư thừa.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thừa tiền, ngân hàng đã phải mua trái phiếu Chính phủ dù cho lãi suất thấp. Ngày13/2 vừa qua, Bộ Tài chính đã chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với lãi suất giảm còn 6,58-7,95%/năm tùy thời hạn và đã huy động thành công hơn 9.000 tỷ đồng. Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nếu tính lãi suất ngân hàng đang huy động trên thị trường là 7%/năm, cộng với dự trữ bắt buộc, thì mua trái phiếu như vậy là không có lãi. Nhưng họ vẫn phải đầu tư, còn hơn để tiền nằm chết một chỗ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hút mạnh tiền về qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Ngày 12/2 hút ròng 9.715 tỷ đồng, trước đó, ngày 11/2 cũng đã hút ròng 4.899 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, cơ quan này đã hút ròng qua OMO gần 15.000 tỷ đồng.
Thừa tiền, trong khi nhiều ngân hàng đang thua lỗ lại càng tạo sức ép trên thị trường tiền tệ những ngày đầu năm.
Lãi suất có giảm?
Thông điệp từ chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2014 là đẩy mạnh vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm tam nông, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước xác định chủ trương đẩy mạnh tín dụng ở các địa phương ngay từ đầu năm.
Theo TS. Trần Du Lịch, để làm được như kế hoạch đề ra, trước mắt phải giảm bớt được lãi suất cho vay trung, dài hạn để DN có vốn tái đầu tư, tái sản xuất.
Nhưng theo các ngân hàng, lãi suất nói chung khó có thể giảm thêm. Để đảm bảo an toàn hệ thống và tính thanh khoản của các ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm lãi suất cho vay thì cần phải giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 7%.
Tuy nhiên các phân tích cho thấy, nếu căn cứ vào diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, chỉ tăng khoảng 5,5-6% trong năm 2014, kết hợp với dự báo tỷ giá có thể sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 2%, để duy trì lãi suất thực dương cũng như sức hấp dẫn tương đối của đồng VND so với USD thì khả năng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm 2014 là rất ít.
Nếu lãi suất huy động không giảm hoặc giảm ít thì khó hy vọng lãi suất cho vay giảm mạnh. Trên thực tế hiện nay các ngân hàng đều sẵn sàng cho khách hàng vay với lãi suất rất thấp. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy, lãi suất cho vay bằng VND đối với những DN tốt chỉ còn 6,5-7%/năm, còn các DN khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Theo các ngân hàng, sức mua của nền kinh tế quá trầm lắng đang cản trở DN trong việc mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu, sau đó mới đến lãi suất và những vấn đề khác.
DN vẫn khát vốn
Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên cho biết, DN của ông rất cần vốn để đầu tư, nhưng đến nay các ngân hàng không cho vay với lý do sản xuất ôtô trong bối cảnh sắp mở cửa thị trường, xe ngoại tràn vào sẽ không có hiệu quả. Vì lý do này mà mấy năm nay dù có dự án, nhưng cũng không thể nào tìm ra vốn.
Nhiều DN vẫn than phiền vay vốn không hề dễ dàng dù lãi suất có giảm và ngân hàng thừa tiền.
Ông Hoàng Trọng Năm, Giám đốc Công ty cổ phần Đại Dương, chuyên sản xuất kinh doanh nước giải khát tại Thanh Xuân, Hà Nội, than phiền, tuy lãi suất có giảm nhưng chỉ ở kỳ ngắn hạn. Ngân hàng chỉ cho vay trong vòng 1 năm và 3 tháng đầu lãi suất thấp còn lại các tháng sau thả nổi, tính chung thì không hề thấp, ngoài ra là vẫn phải có tài sản thế chấp. Do đó, nhiều DN đã không tiếp cận được vốn.
Theo Hiệp hội các DN nhỏ và vừa Việt Nam, hơn 90% số DN tại Việt Nam hiện nay là DN vừa và nhỏ, nhưng suốt thời gian và hiện tại họ vẫn chưa thể tiếp cận được vốn tín dụng. Tình hình chung thì lãi suất có giảm nhưng DN vẫn không thể vay được, vẫn đang phải chật vật xoay xở để tồn tại.
TS. Trần Du Lịch lo ngại khi nhiều giải pháp đưa ra nhưng dòng tín dụng vẫn cứ bị nghẽn. Có vẻ như "tiếng chuông" đã được gióng lên từ lâu nhưng vẫn chưa tìm thấy sự ăn nhập cần thiết và đó là một thách thức lớn của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.
Theo Trần Thủy