Giải phẫu căn nguyên gây "teo tóp" lợi nhuận các ngân hàng

(Dân trí) - Biên lợi nhuận hầu hết các ngân hàng sụt giảm trong năm 2013 do lãi suất đi xuống ảnh hưởng đến thu nhập từ lãi. Song song với đó, nợ xấu tăng khiến tăng trưởng tín dụng gặp hạn chế, đồng thời làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Các ngân hàng đã xóa trung bình 30% số nợ xấu trong năm 2013.
Các ngân hàng đã xóa trung bình 30% số nợ xấu trong năm 2013.

Loạt báo cáo tài chính các ngân hàng công bố dồn dập thời gian vừa qua cho thấy, năm 2013, ngoại trừ lợi nhuận ròng sau thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) tăng 122% và ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) tăng 23% so với năm 2012, lợi nhuận của hầu hết ngân hàng niêm yết khác đều trong xu hướng giảm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), nguyên nhân đầu tiên của sự sụt giảm lợi nhuận đồng loạt ở ngành này chính là bắt nguồn từ việc lãi suất bị cắt giảm mạnh. Trong khi thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính của các nhà băng thì năm vừa qua, lãi suất cho vay đã giảm 2,3%, giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động (giảm 1,8%), khiến cho thu nhập từ lãi vay giảm 12% so với năm 2012.
 
Thêm vào đó, “cục máu đông” nợ xấu lại nghiêm trọng hơn. Nợ xấu tăng kèm theo công tác chuẩn bị cho việc phân loại nợ xấu theo các tiêu chí nghiêm ngặt hơn tại Thông tư 02 dự kiến ban hành 1/6/2014 đã khiến cho lượng nợ xấu được xóa tăng vọt. Thông tin từ VCSC, các ngân hàng đã xóa trung bình 30% số nợ xấu trong năm vừa rồi (phản ánh tỉ lệ nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng).
 
Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng chậm trong gần như suốt năm 2013 do các ngân hàng thận trong trong việc cho vay, các hoạt động cho vay chỉ tăng nhanh hơn trong Quý IV. Cơ cấu tài sản sinh lợi cũng chuyển dịch sang tài sản có mức sinh lợi thấp, đặc biệt là chuyển sang trái phiếu Chính phủ.
 
Nhu cầu và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm, đặc biệt là đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã EIB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã MBB) vì các ngân hàng này tham gia khá nhiều vào các hoạt động liên ngân hàng.
 
Thu nhập từ phí dịch vụ tăng trung bình 15% so với năm 2012, tuy nhiên chỉ đóng góp 8% cho tổng thu nhập.
 
VCSC cũng phân tích về nguyên nhân gây sụt giảm lợi nhuận của từng ngân hàng niêm yết cụ thể.
 
Vietcombank: Lãi giảm nhẹ do sụt thu nhập từ lãi vay
 
Lợi nhuận sau thuế 2013 của Vietcombank giảm 1% xuống 4.352 tỷ đồng chủ yếu do tín dụng tăng 16% và tín dụng liên ngân hàng tăng mạnh 29% so với năm 2012 (VCB là một trong những ngân hàng cho vay nhiều nhất trên thị trường liên ngân hàng), giúp tổng tài sản sinh lời tăng 13% so với năm 2012. Tuy nhiên, NIM (biên lợi nhuận) lại giảm 0,39% xuống 2,6% (vào loại thấp nhất) đã khiến thu nhập từ lãi vay của VCB giảm 2% so với năm 2012. 

Dự phòng tăng 10% do tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,3% trong năm 2012 lên 2,6% năm 2013 cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lãi mà Vietcombank gặt hái cuối năm qua. VCB đã xóa khoảng 25% nợ xấu trong năm vừa rồi. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) 2013 đạt 10% so với mức trung bình là 11,3%.
 
Cổ phiếu VCB hiện đang giao dịch tại mức PE (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) dự phóng 2014 là 13,8 lần và PB (giá/giá sổ sách) 2014 là 1,5 lần.
 
MB: Biên lợi nhuận giảm, lợi nhuận sau thuế giảm 2%
 
Lợi nhuận sau thuế 2013 của MB giảm 2% so với năm 2012 xuống 2.267 tỷ đồng, chủ yếu do biên lợi nhuận giảm 0,82% xuống 3,8%. Dư nợ tín dụng của MB tăng 17,8% so với năm 2012, trong khi tăng trưởng tín dụng của toàn ngành là 12%.
 
Tuy nhiên, tín dụng liên ngân hàng giảm 37% đã khiến tài sản sinh lời của MB giảm 1%. Tăng trưởng huy động thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng, đạt 16% cũng làm cho tỷ lệ tín dụng/huy động đạt 63%.
 
Tỷ lệ nợ xấu MB còn là 2,4% sau khi ngân hàng xóa khoảng 40% nợ xấu. ROE 2013 đạt 16,2% so với mức 11,3% trung bình.
 
Cổ phiếu MBB hiện đang giao dịch tại PE 2014 là 5,9 lần và PB 2014 là 1,0 lần.
 
ACB: Biên lợi nhuận giảm mạnh, lợi nhuận ròng sau thuế giảm 11%
 
Lợi nhuận ròng sau thuế của ACB trong năm 2013 bất ngờ giảm 11% so với năm 2012 xuống còn 824 tỷ đồng. Kết quả này là do tín dụng tăng trưởng thấp ở mức 4% (so với mức 14% của các ngân hàng khác và 12% của toàn ngành) khiến cho tài sản sinh lợi giảm 2,3% (so với mức tăng 10% của các ngân hàng khác). 

Ngoài ra, biên lợi nhuận của ACB cũng giảm 1,14% xuống còn 3,9%.
 
ACB đã xóa 11% số nợ xấu, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu mà ngân hàng này ghi nhận vẫn tăng từ 2,5% trong năm 2012 lên 3,0% trong năm 2013. Chi phí dự phòng giảm 2% khiến cho tỷ lệ dự phòng/dư nợ (LLR) giảm từ mức thấp 57% xuống 48%. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) vẫn ở mức cao 73%. 

ROE năm 2013 đạt 6,6% so với trung bình của toàn ngành là 11,3%, và ROE trung bình từ trước đến nay của ACB là 30% trong giai đoạn 2007-2011.
 
Cổ phiếu ACB hiện đang giao dịch ở mức PE năm 2014 là 10,1 lần và PB năm 2014 là 1,1 lần.
 
Eximbank: Lợi nhuận biên giảm, nợ xấu tăng, lợi nhuận ròng sau thuế giảm 69%
 
Lợi nhuận ròng sau thuế của Eximbank trong năm 2013 giảm 69% xuống còn 658 tỷ đồng – kết quả lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2008.
 
Nguyên nhân là do biên lợi nhuận giảm 1,33% xuống còn 1,8%, khiến cho thu nhập ròng từ lãi giảm 44% mặc dù tín dụng tăng 11,3%. Tỷ lệ CIR cũng tăng từ 43% trong năm 2012 lên 65% trong năm 2013.
 
Tỷ lệ nợ xấu đã ghi nhận tăng từ 1,3% trong năm 2012 lên 2% trong năm 2013, qua đó khiến chi phí dự phòng tăng 25%. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng/dư nợ (LLR) vẫn ở mức thấp 46%. ROE năm 2013 chỉ đạt 4,3% so với mức trung bình 11,3%.
 
Hiện tại cổ phiếu EIB đang giao dịch ở mức PE năm 2014 là 12,8 lần và PB năm 2014 là 1,1 lần.

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước