Khi trái dưa hấu giá ngang ly trà đá...

Đã qua rằm tháng giêng, nhưng giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn rẻ, nhiều loại dội chợ. Đây là tình trạng hiếm thấy, bởi thông thường, giá cả thực phẩm tươi sống thường “ăn theo” giá tết đến hết tháng giêng, thậm chí qua tháng 2 năm sau…

Nhiều tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn phải mang rau quả cho từ thiện. Ảnh: Minh Cúc
 
Nhiều tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn phải mang rau quả cho từ thiện. Ảnh: Minh Cúc

 

Phải mang đi cho từ thiện

 

Tình trạng rau củ quả giá rẻ, ế ẩm trước tết được dự đoán sẽ cải thiện khi bước vào thị trường mùa chay tháng giêng âm lịch. Tuy nhiên, trái cây, rau củ quả hiện đang tràn ngập tại các chợ với giá rẻ không ngờ. Bên cạnh đó, các loại trái cây phục vụ tết như bưởi, dưa hấu… vẫn còn khá nhiều với giá rẻ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Dọc tuyến quốc lộ từ TP.HCM về miền Tây đoạn Bình Chánh đến Long An, dưa hấu được chất đống giá 1.500 đồng/kg, một số xe tải xuống dưa hấu, rơm rạ bay ra khắp mặt đường. Có điểm bán tại đoạn đường ở huyện Bến Lức, còn treo bảng dưa hấu 3.000 đồng/trái.

 

Tại các chợ đầu mối, tình hình còn thê thảm hơn. Ở chợ đầu mối Hóc Môn, nhiều mặt hàng như dưa leo, bầu, bí… giá rẻ không ngờ. Một giỏ cà chua 28kg giá chỉ 30.000 đồng.

 

Anh Gió, chủ vựa rau E11 chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, than: “Lúc trước bán 17 – 18 tấn mỗi ngày, giờ chỉ còn 6 tấn. Có ngày tụi tui phải đem 7 – 8 tấn dưa leo, đậu que, bầu, bí… mang đi cho từ thiện. Dưa leo 500 đồng/ký mà cũng không ai mua”.

 

Nhiều tiểu thương khác cũng cho biết, do đã ký hợp đồng bao tiêu từ trước, nên nay, nhà vườn trồng tới thời điểm thu hoạch vẫn phải nhập về.

 

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, cùng thời điểm này năm ngoái, lượng rau củ quả về chợ đạt trung bình 1.975 tấn/ngày đêm. Nhưng hiện nay, chỉ còn khoảng 1.700 – 1.800 tấn/ngày đêm.

 

Ông Dũng cho rằng, sau tết, nhiều người còn đi du lịch, các trường học, khu chế xuất sản xuất chưa ổn định, mãi lực chậm dẫn đến giá giảm. Tình trạng này khiến nhiều tiểu thương trong chợ chia nhau mang rau củ quả ế cho từ thiện.

 

Không chỉ rau củ quả, do thông tin dịch cúm gia cầm ngày càng lan rộng ra các tỉnh/thành lân cận TP.HCM, nên giá thịt gà bán lẻ tại các chợ cũng đang ở mức rất thấp. Gà công nghiệp chỉ còn 40.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với trước tết; gà tam hoàng còn 50.000 đồng/kg. Tiểu thương cho hay, hơn một tuần nay thị trường gia cầm gần như đóng băng do người dân sợ nhiễm cúm A/H5N1.

 

Bà Hà Hiền, chủ cửa hàng thịt gia cầm trên đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, cho biết sức mua giảm một nửa so với trước tết.

 

Giá còn rẻ dài?

 

Khác với mọi năm, nguồn cung thực phẩm sau tết năm nay khá dồi dào, cộng thêm sức mua èo uột là yếu tố giữ giá, giúp thị trường ổn định. Ông Nguyễn Đăng Phú, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Bình Điền, cho biết giá cả hầu hết các mặt hàng nông sản ở chợ này đang ở mức rất thấp, đây là hiện tượng hiếm gặp từ nhiều năm nay. Hiện, lượng hàng rau củ, thịt heo và thuỷ hải sản về chợ tương đối ổn định, nhưng sức mua còn thấp nên ngày nào cũng xảy ra tình trạng dư thừa ít hoặc nhiều.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2014, đặc biệt là các tháng đầu năm, thị trường vẫn đón nhận khả năng sức mua giảm sút, đà tăng giá, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm sẽ khó hồi phục. Có lẽ, vì sớm đoán trước được tình hình thị trường không mấy sáng sủa, nên hầu hết công ty chăn nuôi lớn đã đưa ra kế hoạch không tăng đàn, thậm chí cắt giảm với tỷ lệ khá sâu trong năm nay.

 

Công ty chăn nuôi C.P, Emivest, Japfa, C.J dự định sẽ giữ tổng đàn gà công nghiệp ở mức khoảng 6 triệu con mỗi tháng, tức khoảng 200.000 con/ngày tại thị trường phía Nam. Riêng C.P, doanh nghiệp nước ngoài nắm khoảng 5% tổng đàn heo cả nước dự định sẽ tung ra thị trường phía Nam khoảng 3.500 – 4.000 con heo/ngày.

 

Giới chuyên gia nhận định, với tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì như vậy, nên ít nhất là trong thời gian từ nay đến giữa năm 2014, thị trường thực phẩm, đặc biệt là ở TP.HCM sẽ không xảy ra biến động gì lớn.

 

Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai (D&F), nguồn cung thịt heo, gà, trứng gia cầm từ chăn nuôi trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu. Có nhiều thời điểm còn dư thừa, nếu xuất khẩu được mới giải quyết được đầu ra, giúp nông dân có lời, tái đầu tư tăng đàn.

 

Theo Hoàng Bảy - Minh Cúc

SGTT
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước