Khi “siêu cây” chết cùng... đại gia

Những cây cảnh của đại gia K. trở thành món hàng… xiết nợ khi vài khách hàng nóng tính và thiếu kiên nhẫn, sau vài lần hẹn gặp K. không được đã đưa xe đến mang cây cảnh!

Đại gia bị xiết nợ cây

 

Là chủ một công ty lớn về bất động sản, ở thời điểm rình rang, K. khá nổi tiếng trong giới doanh nhân về sự kỹ tính và sở thích… phong thủy.

 

Có vẻ như “giàu có sinh lễ nghĩa” đã trở thành chân lý. Với K., dường như đây là một mẫu ví dụ điển hình. Có tiền, K. đi xem tướng số, xem mệnh… và được thầy phán, muốn làm ăn tấn tới phải có những dòng cây này, cây nọ trong nhà… thì mới phù trợ tướng mệnh được, công việc mới hanh thông…

 

Khi “siêu cây” chết cùng... đại gia
Không gian xanh - sạch là niềm mơ ước trong cuộc sống của mỗi gia đình Việt. Cây cảnh có vị trí quan trọng trong những góc sống này.

 

Tin lời thầy, K. không tiếc thời gian, tiền bạc đi lùng những đồ phong thủy, cây cối như lời dặn. Mất gần tháng trời lặn lội, qua các làng cây, cuối cùng K. cũng tìm được một cây “na ná như cây thầy nói”.

 

Đó là một cây sanh cổ, ở một nhà thờ của một dòng họ làng miền biển Nam Định. Tiền công đức nhà thờ để được mang cây đi, tiền bỏ ra mua cây… dù chưa bao giờ tính toán nhưng cũng lên đến con số vài trăm triệu.

 

Qua “vụ” mua cây yểm mệnh, K.bỗng mê cây. Khi biệt thự gia đình đã chật kín vì các chậu cây cảnh, K. chuyển cây về đặt trước cửa công ty, xây hòn non bộ, đặt đủ bộ tam linh: sanh – đa –lộc vừng.

 

Tại các dự án bất động sản do công ty đang làm chủ đầu tư, K. cũng đặt về hàng loạt cây cảnh.

 

Thế nhưng, hết thời 'bong bóng', những dự án do cty của K. thực hiện chậm tiến độ, khách hàng đồng loạt đòi lại tiền góp vốn.

 

Cty lâm vào thế bĩ cực, bản thân K. phải “lẩn trốn” để thoái thác mỗi lần khách hàng đến yêu cầu… đối thoại.

 

Những cây cảnh của K. trở thành món hàng… xiết nợ khi vài khách hàng nóng tính và thiếu kiên nhẫn, sau vài lần hẹn gặp K. không được đã đưa xe đến mang cây cảnh!

 

Hàng loạt “công ty bong bóng” bị vỡ đã kéo các đầu nậu cây cảnh, cây công trình chết theo.

 

Nguyễn Minh Quang (một thợ buôn cây từ Thái Bình), trước chuyên sống bằng nghề bỏ mối cây đến các điểm bán trên phố Hoàng Hoa Thám, chợ cây cảnh Hà Đông… Đến dịp Tết, Quang đánh mối đào, quất sang các vùng Hải Phòng, Quảng Ninh… để kiếm lời…

 

Khi “siêu cây” chết cùng... đại gia
Phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều đại gia xem thầy mượn thợ phán phải có cây phong thủy để trì mệnh nên đã không tiếc tiền bỏ ra tìm mua cây quý.

 

Sau một thời gian, Quang lân la tiếp cận các công trường xây dựng các dự án khu đô thị mới, và chuyển thành người cung cấp cây cảnh, cây công trình cho các KĐT.

 

“Thời các dự án mọc như nấm, tôi làm không hết việc. Một công trình, tiền cây bóng mát, cây trang trí, cảnh quan… cũng lên tới cả tỷ đồng. Có ngày, tôi phải thuê đội xe cả chục chiếc để kịp cung cấp cây cho các dự án. Mình thì nhanh đẩy được cây, quay vòng vốn, mà dự án cũng có cảnh quan, bắt mắt khách mua, mua nhanh bán đắt, lợi cả đôi bề…” – Quang kể.

 

Thế nhưng, không duy trì được lâu. Quang nhanh chóng trở về với nghề bỏ mối cây ở các chợ cây bán lẻ.

 

“Lợi nhuận cũng được, nhưng họ toàn mua tiền hơi. Giờ, công nhân họ còn chây ì không trả lương, nói gì đến tiền mua cây công trình. Thôi thì đành ngậm đắng, coi như món nợ khó đòi” – Quang thở dài.

 

Cả làng vỡ nợ vì… sanh gai

 

Vài ba năm trước, nhiều huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai (Hà Nội) bừng bừng cơn sốt… sanh gai. Cùng họ với loài sanh – một loại cây cảnh phổ biến và chiếm tỷ lệ lớn trong làng cây cảnh, sanh gai có đặc điểm riêng, đó là rất chậm phát triển, lá nhỏ, nhiều dăm, tay bông…

 

Vì mang đặc điểm sinh trưởng như thế nên sanh gai rất ít được chuộng trong giới tạo cây, vì cây làm lâu, khó tạo thế và chậm biến đổi.

 

Tuy nhiên, giá trị thực của mỗi món ăn tinh thần ấy, phải được hưởng thụ bằng văn hóa mỗi người.
Tuy nhiên, giá trị thực của mỗi món ăn tinh thần ấy, phải được hưởng thụ bằng văn hóa mỗi người.

 

Cơn sốt sanh gai tràn về các xóm thôn với tốc độ chóng mặt. Nhiều làng quê thuộc các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng… sốt sình sịch đi lùng sanh gai đem bán cho tiểu thương thu mua cho Trung Quốc.

 

“Hồi đó, một cây sanh gai to chừng ngón chân cái, cao 40 – 50cm, thẳng đuột như cái que củi người ta mua 5triệu đồng/cây. Những cây to, lớn hơn sẽ nhiều tiền hơn. Có cây sanh gai lâu năm, đường kính thân bằng bắp đùi, tán rộng chừng 01m được người ta trả giá 1,5 tỷ, xây được cái nhà ba tầng” – Trường Minh, một thanh niên ở Đan Phượng kể lại giọng đầy tiếc nuối.

 

Cơn sốt “hâm nóng” ba huyện của vùng đất đá ong – vùng quê được cho rằng tập trung giống sanh gai nhiều nhất – nhanh đến nỗi, chưa đầy một tuần, toàn bộ cây sanh gai trong vùng hầu như bị thu gom sạch sẽ.

 

Vì hiếm nên giá cây càng đẩy lên chóng mặt. Nhiều hộ dân trong vùng “liều” đứng ra làm đầu nậu thu gom, mua sanh gai giá cao để bán cho thợ săn cây xuất đi Trung Quốc.

 

“Thời điểm đó, anh trai em cũng tranh thủ “lướt sóng” được hơn trăm triệu tiền lãi nhờ mua đi bán lại cây. Mà sao thời điểm đó kiếm tiền dễ thế. Anh trai em vừa mua một cây sanh 70 triệu,về nhà, người ta trả 350 triệu, vì họ cho biết đó là cây sanh gai. Nghĩ cây sẽ còn lên giá nên anh trai em không bán, giờ vẫn giữ ở nhà, trồng lấy bóng mát cho máy lồng chim cảnh” – một người tên Hợp (huyện Hoài Đức) kể.

 

Sau vài năm, “cơn bão” sanh gai đã qua đi, hiện tại, hàng chục gia đình vẫn rơi vào hoàn cảnh nợ nần, phá sản, phải cầm cố nhà cửa, tài sản để trả nợ, vì trót liều đi vay tiền tỷ “nuôi” cơn sốt!

 

Theo Thái Bình

VietnamNet