Khi nền kinh tế “nóng - lạnh” bất thường

(Dân trí) - Đến nay, mối lo dường như đã hoàn toàn đảo ngược so với năm ngoái: thay vì e ngại lạm phát quá cao thì thay vào đó là sự sốt sắng về nguy cơ giảm phát, đòi hỏi sự tỉnh táo của cơ quan điều hành hơn bất kỳ lúc nào khác.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê thì trong tháng 6 này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã xuống chạm đáy 38 tháng với mức âm 0,26% so tháng 5/2012.

Như vậy, từ đầu năm đến nay tức đi hết nửa năm 2012, so với thời điểm tháng 12/2011, CPI mới tăng 2,52%  so mức mục tiêu cả năm là 7-8%. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh GDP quý II ước 4,5%, tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho tăng cao, điều này đã đặt ra nhiều lo ngại, cho rằng kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Đây được cho là kết quả của quá trình thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ từ đầu năm ngoái theo Nghị quyết 11. Quốc hội đã xác định lại mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, sau một năm rưỡi duy trì, đến nay chính sách này đã bộc lộ hiệu quả.

Qua nhiều hội thảo cũng như các báo cáo của những nhà tài trợ, đối tác nước ngoài, các tổ chức, chuyên gia quốc tế đều đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên kiên trì với mục tiêu kiềm lạm phát đã đặt ra, cảnh giác với việc nới lỏng chính sách quá nhanh sẽ có thể để lại những rủi ro lớn cho những năm tiếp theo.

Không vì giảm phát mà vội bơm tiền

Không vì giảm phát mà vội bơm tiền
 
Đề cập đến mức tăng CPI cả nước, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho biết, ông vẫn duy trì dự báo lạm phát cả năm sẽ chỉ vào khoảng 4,6% đến 6,2%. Đồng thời nhấn mạnh về giá trị cận dưới là CPI thậm chí xuống tới 4,6%, còn mức 6,2% là mức tối đa.

Theo ông, lạm phát năm nay chỉ có thể tăng lên quá 7% nếu từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bơm tiền ra ồ ạt ra nền kinh tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả của điều này, nếu xảy ra, ông lưu ý, đó là năm sau lạm phát sẽ vượt 10% và toàn bộ nỗ lực bình ổn từ năm 2011 đến nay sẽ “xuống sông xuống bể”.

Nếu nhìn con số thực tế CPI sáu tháng đang dừng ở 2,52% thì dự báo của VEPR có xác suất lớn. Bên cạnh đó, các tổ chức khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mặc dù đồng ý với nhận định lạm phát sẽ được kiềm ở 1 con số nhưng mức giá trị được đặt cao hơn, với khoảng 7-9%.

Cùng với việc CPI thấp một cách bất ngờ đến “kỳ lạ” thì trong mối quan hệ tỷ lệ thuận, GDP cũng được cho khó mà chạm tới ngưỡng 6% như mục tiêu đã đặt ra.

Theo dự báo của VEPR, tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 4,4 - 5,1%. TS Thành nhấn mạnh quan điểm của mình, “năm nay tăng trưởng rất khó vươn tới 5%”. Nhiều tổ chức quốc tế khác mặc dù đưa mức dự báo cao hơn, từ 5,1%  đến 5,7% song đều đặt mức kỳ vọng dưới 6%.

Theo các dự báo này, có thể thấy trong năm nay, cả tăng trưởng GDP và CPI đều khó đạt chỉ tiêu đặt ra trước đó của Chính phủ và Quốc hội. Việc điều chỉnh chỉ tiêu đã được cơ quan điều hành phủ nhận trong những phát ngôn gần đây trước báo chí.
 
“Khớp” mục tiêu: quan trọng hay không?

Trong những động thái điều hành của Chính phủ gần đây, bên cạnh gói hỗ trợ doanh nghiệp qua giảm - giãn thuế (chính sách tài khóa) của Bộ Tài chính thì NHNN cũng đã quyết định hạ lãi suất. Các chính sách này về cơ bản đều nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế.

Mới đây, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một lượng tiền có thể nói là “khủng khiếp”. Cụ thể, cơ quan này đã mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường là 180.000 tỷ đồng. Lượng tiền này được cho đã giải quyết được phần nào khó khăn thanh khoản của các ngân hàng.

Tuy nhiên, qua tình hình tiếp cận vốn và hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, thì các động thái trên chưa mang tính hỗ trợ nhiều. Dự kiến đến cuối năm, cơ quan điều hành sẽ còn tiếp tục giải ngân khoảng 21.000 tỷ đồng nữa ra nền kinh tế. Mặc dù có cam kết rằng sẽ phối hợp các chính sách đề phòng lạm phát những năm tiếp theo, song hoạt động bơm tiền ra sẽ phải được tính toán kỹ. Theo một số chuyên gia, giảm phát là khi CPI giảm liên tiếp nhiều tháng liền, còn hiện tại, nếu vì CPI tháng 6 âm mà nhà điều hành “sốt sắng” bơm tiền thì sẽ rất nguy hiểm.

(Nguồn: Bloomberg/BVSC/Gafin).

(Nguồn: Bloomberg/BVSC/Gafin).

Nếu quan sát thì lạm phát toàn cầu từ nửa cuối năm 2011 đã bắt đầu giảm mạnh. Báo cáo của WB cho thấy, lạm phát tại các nước đang phát triển đã giảm mạnh xuống 5% trong quý I vừa rồi từ mức 7,2% cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do giảm giá lương thực và giá nhiên liệu. Như vậy, Việt Nam cũng năm trong xu hướng chung của thế giới và việc điều hành của Chính phủ thời gian tới sẽ phải được đặt trong tính toán với thực tế bên ngoài.

Lạm phát toàn cầu đều đang giảm (nguồn: WB).

Lạm phát toàn cầu đều đang giảm (nguồn: WB).

Vấn đề đặt ra là trong khi sức mua nội địa cũng như tại nhiều thị trường đã giảm, việc chọn lựa và mở rộng thị trường, cũng như việc cơ cấu lại mặt hàng sản xuất của các doanh nghiệp sẽ cần được cân nhắc nhiều hơn, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ có những hỗ trợ phù hợp.

Theo thống kê, trong quý I vừa rồi có tới 70% doanh nghiệp thua lỗ và gần 22.000 doanh nghiệp phải giải thể, phá sản tính từ đầu năm. Điều này đặt ra nhiều vấn đề và yêu cầu chính sách nhằm giải quyết hàng tồn kho cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể thấy, trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay, khảo sát thị trường lại cho thấy, nhiều “ngách” kinh doanh nhỏ lẻ lại có thu nhập “khủng” hay việc mua bán online lại phát triển mạnh mẽ. Qua đó thấy rằng, phía nhà kinh doanh tự bản thân sẽ phải tìm hiểu, nắm bắt cầu thị trường nhanh nhạy hơn, phù hợp với khả năng chỉ trả người dùng hơn để tồn tại trước khi chờ đợi được “cứu”.

Được biết, cuối tuần này Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ để bàn tính chính sách “giải cứu” nền kinh tế 6 tháng cuối năm. Việc đạt được chỉ tiêu hay không chỉ là bề nổi của vấn đề, điều quan trọng hơn là lấy được niềm tin của thị trường và đảm bảo được mức sống của người dân, tránh tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giãn ra trong bối cảnh kinh tế được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn.

Bích Diệp