Khi “đại gia” PVN gặp khó
Thị trường chứng khoán tuột dốc không phanh cùng với khủng hoảng nợ công trên thế giới đã khiến cho việc tìm kiếm đối tác đầu tư nước ngoài trở nên hết sức khó khăn, kể cả với "đại gia" PVN.
Ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thừa nhận, kinh tế thế giới khó khăn, khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn tiếp tục nghiêm trọng… đã có ảnh hưởng đáng kể tới việc tìm kiếm vốn cho nhiều dự án lớn của PVN.
Mời không đắt
Trong năm 2011, PVN đã mang khoảng 30 dự án trong lĩnh vực hạ nguồn dầu khí, điện, cơ sở hạ tầng tới Hoa Kỳ để kêu gọi đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc bán cổ phần. Trước đó, bản danh sách kêu gọi đầu tư với số dự án còn dài hơn nữa cũng đã được mang tới thị trường Hàn Quốc và thị trường Nhật Bản để mời chào. Tuy nhiên, kết thúc năm 2011, không có dự án lớn nào được công bố là đã tìm thấy nhà đầu tư chiến lược, kể cả tham gia góp vốn hay mua cổ phần.
Một quan chức của PVN cho biết, nhà đầu tư đã quan tâm hơn và có những tham gia, hợp tác nhất định như mua cổ phần của một số đơn vị thành viên là PVC, PVI, Chứng khoán dầu khí… Nhưng sự hợp tác này khá là nhỏ bé so với kỳ vọng của PVN với những đại dự án quy mô hàng tỷ USD.
Nói cho thật công bằng, do các dự án này đều có quy mô khá lớn, nên nhà đầu tư không thể quyết định được ngay trong ngày một, ngày hai. Nhưng việc các nhà đầu tư chưa mặn mà với một số dự án lớn mà PVN mời chào như xây dựng nhà máy điện, hay phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành khí, mua cổ phần của Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn có nguyên do là họ chưa nhìn thấy lợi ích kinh tế rõ ràng khi dốc túi đầu tư.
Vì sao?
Đơn cử như lĩnh vực điện. Với khoản nợ tiền mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở các nhà máy Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1 của PVN tới đầu tháng 11/2011 đã lên tới gần 12.000 tỷ đồng (và chưa biết lúc nào sẽ trả được), chắc chắn nhà đầu tư dù rất quan tâm đến các dự án điện cũng phải chào thua.
Chưa kể, theo ông Phùng Đình Thực, trong lĩnh vực điện, vấn đề quan trọng nhất là sẽ bán điện với giá bao nhiêu thì PVN lại chưa thể trả lời được. Điều đó khiến cho nhà đầu tư chưa tính toán được bài toán hiệu quả kinh tế.
Ở lĩnh vực khí, việc tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển phần hạ nguồn cũng không đơn giản. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), một thành viên "khủng" của PVN khi chưa tiến hành cổ phần hóa đã gạt ra không hết các đối tác nước ngoài mong muốn trở thành cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, việc bị nợ tiền điện tại các nhà máy điện chạy từ khí của PVN với số tiền lên tới chục nghìn tỷ đồng đã khiến không ít đối tác nước ngoài giờ đây e ngại được lợi nhuận khi bỏ tiền mua cổ phần của nhà bán khí duy nhất này.
Bên cạnh đó, Chính phủ mới đây đã yêu cầu cung cấp tối đa khí cho phát điện. Trong khi giá khí bán cho các nhà máy điện hiện chỉ bằng phân nửa giá khí bán cho nhiều hộ công nghiệp khác, việc phải để dành khí cho điện là điều… không mấy dễ chịu với PV Gas. Nhất là khí bán cho điện cũng bị nợ tiền dài dài như nợ tiền điện.
Đối với lĩnh vực hóa dầu, việc tìm vốn đầu tư cũng không dễ như mong muốn của PVN. Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công san lấp mặt bằng vào tháng 5/2008 sau khi ký hợp đồng liên doanh với các đối tác Nhật Bản và Cô-oét vào tháng 4/2008. Được kỳ vọng khởi công xây dựng nhà máy chính trong đầu năm 2011, nhưng đại dự án này tới nay vẫn im hơi lặng tiếng và tiếp tục chờ nhận được thêm bảo lãnh của Chính phủ về ngoại tệ so với mức cam kết 30% hiện nay.
Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 9,5 triệu tấn/năm, gấp rưỡi quy mô hiện nay, dù chưa có con số chính xác nhưng ước tính có thể cần tới 2 tỷ USD. PVN cũng có kế hoạch bán tới 49% cổ phần tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi mở rộng.
Tuy nhiên, ông Thực cho hay, việc hấp dẫn các đối tác đến đâu còn tùy thuộc vào cơ chế tài chính cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiện PVN đã hoàn tất đề nghị của mình về cơ chế tài chính cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó đáng chú ý là việc xin một loạt các ưu đãi về thuế nhập khẩu và phần để lại cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tương tự cơ chế mà dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng.
Sự hợp tác của các nhà đầu tư vừa qua còn khá nhỏ so với kỳ vọng của PVN về những đại dự án tỷ đô. |
Tuy nhiên, các cơ quan hữu trách chắc chắn còn phải cân đối và tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra ý kiến cuối cùng, bởi việc chấp nhận các đề xuất này ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách.
Ở những lĩnh vực không phải là trọng tâm chính được xác định, động thái "rút lui" của PVN cũng đang diễn ra. Đơn cử như Tòa tháp Dầu khí. Từng được biết đến với danh xưng "có một không hai", tòa nhà dự kiến cao tới 102 tầng này bị rút xuống còn 79 tầng và nay vừa được PVN công bố sẽ không tham gia góp vốn. Trách nhiệm kêu gọi vốn đầu tư từ nguồn vay thương mại được PVN chuyển giao cho thành viên của mình là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Tuy nhiên một số nguồn tin cũng cho hay, PVC có thể cũng không đảm nhận vai trò chủ đầu tư chính của dự án này.
Quả thực, ngay cả với "đại gia", việc huy động vốn có khi cũng trở thành "nhiệm vụ bất khả thi"!
Theo Yên Hưng
Doanh Nhân